Nhiều người cho rằng việc uống thuốc kháng sinh sẽ nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, họ không biết rằng nếu lạm dụng sẽ gây ra những hậu quả nặng nề.
Những cách dùng kháng sinh không đúng
Sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (U.S CDC), có tới 1/3 đến 1/2 việc sử dụng kháng sinh ở người là không cần thiết hoặc không phù hợp. Hầu hết các trường hợp đau họng, đau nhức xương khớp, sốt và hắt hơi sổ mũi... có nguyên nhân từ các virut vẫn mua kháng sinh về dùng. Trong khi đó, virut lại không bị tiêu diệt bởi kháng sinh. Chính vì vậy kháng sinh sẽ không có tác dụng gì, thậm chí còn làm cơ thể mệt mỏi hơn hoặc có thêm những tác dụng phụ khác.
Khi vi khuẩn kháng kháng sinh, việc điều trị các bệnh do nhiễm khuẩn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Khi có những triệu chứng như trên, chỉ cần ăn uống nâng cao thể trạng, tăng cường sử dụng hoa quả tươi, hạn chế ra ngoài gió và tiếp xúc với mọi người. Có thể điều trị thêm triệu chứng như: ho thì uống thuốc ho, long đờm; sốt thì dùng thuốc hạ sốt; sổ mũi, nghẹt mũi thì dùng nước muối biển, thuốc làm co mạch hoặc kháng histamin... Việc xác định bệnh do nhiễm khuẩn và quyết định sử dụng kháng sinh phải do bác sĩ.
Trẻ tiêu chảy cũng dùng kháng sinh
Nhiều trường hợp trẻ bị tiêu chảy có nguyên nhân là virut nên chỉ cần bổ sung nước và điện giải, với trẻ nhỏ cần tăng cường cho bú... Khi sử dụng kháng sinh với trẻ bị tiêu chảy do virut không chỉ làm cho trẻ mệt mỏi hơn mà hệ vi khuẩn đường ruột còn non nớt của trẻ cũng bị rối loạn nghiêm trọng. Do đó khiến trẻ càng tiêu chảy nặng hơn và có thể về lâu dài trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, ăn khó tiêu hoặc lười ăn, trẻ cũng dễ bị nhiễm các bệnh lý đường ruột khác... Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, khi hệ vi khuẩn của trẻ bị rối loạn, lớn lên trẻ dễ bị dị ứng, béo phì hơn những trẻ khác.
Kháng sinh chữa bách bệnh
Nhiều người có suy nghĩ “kháng sinh chữa bách bệnh”, sự thật lại không như vậy. Có thể chia bệnh tật làm 7 nhóm, bao gồm: các bệnh lý bẩm sinh, các bệnh lý chuyển hóa, các bệnh lý do ngộ độc, các bệnh lý miễn dịch, các bệnh lý do thoái hoá, các bệnh lý nhiễm trùng và những chấn thương do tai nạn gây ra. Trong 7 nhóm này, hầu như chỉ có nhóm bệnh lý nhiễm trùng và những tai nạn rách da chảy máu bệnh nhân mới có chỉ định sử dụng kháng sinh, đa số các bệnh lý còn lại sử dụng những nhóm thuốc chuyên biệt khác. Như vậy, kháng sinh không có chỉ định sử dụng nhiều như chúng ta nghĩ.
Và mặt trái của kháng sinh
Khi dùng kéo dài, kháng sinh gây rối loạn nghiêm trọng hệ vi khuẩn đường ruột, làm mất cân bằng hoạt động đường ruột. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tự miễn như bệnh viêm đường ruột và bệnh tiêu chảy phân mỡ.
Thuốc kháng sinh cũng là “khắc tinh” đối với gan. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thuốc kháng sinh rất hại cho mô gan, làm cho các chỉ số xét nghiệm chức năng gan như AST và ALT tăng vọt, trong đó phải kể đến kháng sinh azithromycin, clindamycin, kháng sinh nhóm metronidazole.
Kháng sinh thuộc nhóm thuốc đầu bảng dễ gây dị ứng, sốc phản vệ, đặc biệt nhóm penicilin, amoxicilin...
Kháng sinh gây mất cân bằng hệ vi khuẩn trong cơ thể, táo bón, chán ăn, chậm lớn...
Ảnh hưởng đến một số cơ quan quan trọng ở trẻ em như xương khớp, men răng, tăng nguy cơ hen suyễn và dị ứng..
Giảm tiết sữa sau sinh.
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng có mối liên quan giữa việc sử dụng kháng sinh dài ngày với tỷ lệ bị ung thư đại tràng, buồng trứng và ung thư thận tăng cao ở cả hai giới, sử dụng thuốc tránh thai kéo dài hoặc các hormon sinh dục nữ làm tăng nguy cơ bị ung thư buồng trứng và cổ tử cung.
Nguy hiểm hơn nữa của việc dùng kháng sinh bừa bãi là tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng, khiến con người sẽ phải đầu hàng ngay cả khi gặp một vết thương nhỏ nhất, hay bị bệnh thông thường nhất...
Làm gì để hạn chế nạn lạm dụng thuốc kháng sinh?
Khi có bệnh, cần phải đi khám và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý đi mua thuốc uống, không được bỏ thuốc giữa chừng hoặc thêm thuốc, thay thuốc khi chưa báo cho bác sĩ điều trị. Không uống thuốc kháng sinh theo đơn của người khác, không sử dụng thuốc quá hạn sử dụng hoặc đã bóc, mở lâu ngày.
Tìm hiểu về thuốc trước khi sử dụng.
Dị ứng, sốc thuốc là những biến chứng nguy hiểm của việc dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh, vậy nên cần chủ động thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết được tiền sử dị ứng của mình hoặc người thân trước khi được kê đơn và mua thuốc.
Đối với những trẻ điều trị nhiễm trùng dai dẳng hoặc nhiễm trùng nhiều lần mà cần sử dụng kháng sinh nhiều thì nên sử dụng kháng sinh đồ cho trẻ để lựa chọn kháng sinh hợp lý nhất, tránh việc không đáp ứng hoặc đề phòng kháng kháng sinh.
Mỗi gia đình nên xây dựng cho mình một chế độ ăn sử dụng những “kháng sinh thiên nhiên” như tỏi (chữa ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn), men vi sinh và sữa chua, ớt tươi, củ nghệ, các loài hành… nhằm giúp mỗi thành viên trong gia đình có hệ miễn dịch tốt, hạn chế ốm đau và việc phải sử dụng thuốc.
BS. Trần Quốc Khánh
Khoa Phẫu thuật cột sống - BV Hữu nghị Việt Đức