Văn hóa là mục tiêu, động lực phát triển
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc, lấy “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, trở thành mục tiêu, động lực của sự phát triển.
Bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. (Ảnh: baotanglichsu.vn)
Đề cương Văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khởi thảo và công bố năm 1943 đã nêu lên 3 nguyên tắc cơ bản, đó là “dân tộc hóa”, “khoa học hóa” và “đại chúng hóa”. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời năm 1998 thêm một lần nữa làm sáng tỏ tư tưởng, đường lối của Đảng với 2 yêu cầu rõ ràng, cấp bách: xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến”, “đậm đà bản sắc”.
Ngày 9/6/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Mục tiêu của nghị quyết là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong đó, quan điểm: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa được đặt lên hàng đầu.
Hà Tĩnh luôn coi: “Văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển, là nền tảng tinh thần xã hội”. (Ảnh: Đậu Hà)
Tiếp nhận “mạch ngầm” văn hóa lâu đời, không ngừng nghỉ của các thế hệ tiền nhân, trong hành trình xây dựng và phát triển, Hà Tĩnh luôn coi: “Văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển, là nền tảng tinh thần xã hội”. Văn hóa, con người Hà Tĩnh luôn tạo được dấu ấn đặc biệt, làm giàu đẹp lịch sử nước nhà và kho tàng văn hóa Việt Nam. Ngày 5/10/1998, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).
Ngày 22/12/2023, BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới.
Văn hóa phải hài hòa với chính trị, KT-XH
Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ Hà Tĩnh vừa tiếp nối vừa làm sáng rõ hơn, cụ thể hơn những quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa và nhấn mạnh yếu tố “con người” trong mối tương quan “văn hóa - con người” Hà Tĩnh với quan điểm rất rõ ràng, cụ thể: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, mục tiêu, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
Phát triển văn hóa phải hài hòa với chính trị, KT-XH. Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân... Trọng tâm xây dựng, phát triển văn hóa là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và xây dựng con người phát triển toàn diện, có nhân cách cao đẹp”.
Thực tế hiện nay ở nhiều địa phương, đơn vị, văn hóa vẫn chưa được đặt ngang hàng và hài hòa với chính trị, kinh tế; nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa chưa xứng tầm; nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa chưa được thường xuyên. Cá biệt có những địa phương coi văn hóa chỉ là phong trào, bề nổi, theo mùa vụ, cán bộ văn hóa chỉ là những người phụ trách “cờ, đèn, kèn, trống”... Chính vì vậy, Nghị quyết số 18 đã xác định: “Phát triển văn hóa phải hài hòa với chính trị, KT-XH”.
Ca trù và dân ca ví, giặm là những nét văn hóa độc đáo của Hà Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Đậu Hà - Trần Chung.
Với trục cốt lõi “tiên tiến, đậm đà bản sắc”, Nghị quyết số 18 nhấn mạnh mục tiêu tổng quát: “Xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa và con người Hà Tĩnh thấm nhuần tinh thần dân tộc, giàu bản sắc quê hương, tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn dân cư.
Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng, giàu bản sắc; phát triển đa dạng các loại hình văn học, nghệ thuật. Tập trung đầu tư nguồn lực để văn hóa phát triển toàn diện, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước”.
Xây dựng con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện
Trong các nhiệm vụ cụ thể mà Nghị quyết số 18 đưa ra, nhiệm vụ xây dựng con người được đặt lên hàng đầu, là hạt nhân của sự phát triển nhằm phát huy nguồn lực con người, nhất là những tố chất đặc biệt của người Hà Tĩnh đồng thời hoàn thiện các phẩm chất tốt đẹp để đáp ứng yêu cầu hội nhập với những mệnh đề rất cụ thể: “Xây dựng con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện, hội đủ những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam và giá trị riêng có của con người Hà Tĩnh: Yêu quê hương, đất nước; đoàn kết, nghĩa tình, cần cù, hiếu học; năng động, sáng tạo; kỷ luật, trọng danh dự, thượng tôn pháp luật; ứng xử thân thiện với môi trường tự nhiên; tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hiểu biết, tự hào về lịch sử, văn hóa quê hương, dân tộc”.
Cần tạo môi trường lành mạnh để hình thành, phát triển toàn diện nhân cách con người Hà Tĩnh. (Ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Thạch Long, huyện Thạch Hà đọc sách tại thư viện thân thiện của nhà trường).
Môi trường văn hóa luôn gắn với con người văn hóa. Ngược lại, con người văn hóa là yếu tố quyết định tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh. Chính vì vậy, nghị quyết đã đưa ra những nhiệm vụ cụ thể đang được các tầng lớp Nhân dân quan tâm như: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong gia đình, dòng họ, địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, văn hóa trong chính trị và kinh tế, văn hóa nơi công cộng... tạo môi trường lành mạnh để hình thành, phát triển toàn diện nhân cách con người Hà Tĩnh”.
Nghị quyết cũng đưa ra 5 nhóm giải pháp cụ thể và hướng dẫn tổ chức thực hiện. Trong các nhóm giải pháp, nhóm về cơ chế, chính sách được quan tâm: “Ưu tiên nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm, với quy mô tương xứng, tạo điểm nhấn về kiến trúc, văn hóa ở các địa phương. Hoàn thành xây dựng Bảo tàng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Trung tâm hoạt động thanh, thiếu nhi tỉnh; xây dựng khu liên hợp thể thao tỉnh đủ điều kiện tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao của tỉnh và quốc gia.
Chính quyền và Nhân dân xã Kim Song Trường (Can Lộc) rước bằng công nhận di sản Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là Di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới Châu Á - Thái Bình Dương.
Tôn tạo, nâng cấp, xây dựng, mở rộng Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Xây dựng di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du thành trung tâm văn hóa - du lịch của quốc gia và khu vực, nâng cấp lễ hội Nguyễn Du - Truyện Kiều; kêu gọi đầu tư xây dựng không gian văn hóa “Nguyễn Du - Truyện Kiều” tương xứng với tầm vóc và giá trị. Xây dựng Trung tâm văn hóa Trường Lưu (huyện Can Lộc) thành địa điểm phát huy giá trị di sản tư liệu kí ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đầu tư, nâng cấp Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác... Rà soát, bổ sung quy hoạch, cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển văn hóa, thể thao, đô thị, du lịch, các khu vui chơi giải trí mang đậm bản sắc văn hóa Hà Tĩnh”.
Để Nghị quyết 18 thấm sâu vào đời sống, trở thành sức mạnh nội sinh to lớn trên quê hương núi Hồng - sông La, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phải chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh; ban hành các cơ chế, chính sách, đề án, dự án, bố trí nguồn lực và phân công nhiệm vụ gắn với lộ trình thực hiện cụ thể. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án về văn hóa, du lịch xứng tầm.
Người dân Hà Tĩnh phải luôn tự hoàn thiện mình, nêu cao khát vọng vươn lên, lan tỏa nét đẹp văn hóa, con người Hà Tĩnh với bạn bè muôn phương. (Ảnh: Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh tại phía Nam trò chuyện với các bạn thanh niên, sinh viên Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh, năm 2023).
Đi đôi với phát triển giá trị mới, phải đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là các di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh. Mỗi người dân Hà Tĩnh trong và ngoài tỉnh phải luôn tự hoàn thiện mình, nêu cao khát vọng vươn lên, lan tỏa nét đẹp văn hóa, con người Hà Tĩnh với bạn bè muôn phương. Với sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp, tin tưởng Nghị quyết số 18 sẽ đi vào cuộc sống hiệu quả, thiết thực”.