Khi cánh đồng vụ xuân được “giải phóng” là thời điểm gieo cấy hè thu sắp sửa vào vụ
Thời điểm xuống giống lúa hè thu ở Hà Tĩnh bắt đầu từ khoảng cuối tháng 5 đến nửa đầu tháng 6 dương lịch, đúng vào lúc nắng nóng nhất của mùa hè. Chỉ 15 ngày cho thời vụ gieo cấy, người nông dân vừa phải thu dọn phế phẩm của vụ thu hoạch trước, vừa làm đất, gieo mạ, cấy lúa càng khiến cho nỗi cực nhọc của bà con tăng bội phần.
Đi qua biết bao mùa truân chuyên ấy, bà Đặng Thị Bông (thôn Thịnh Lộc, xã Sơn Lộc, Can Lộc) như hiểu được phần nào quy luật của tự nhiên và chắt góp cho mình vốn kinh nghiệm quý giá.
“Kết thúc vụ xuân là phải đắp bờ lại giữ nước, phay gốc rạ. Đợi đến khi nước thủy lợi về thì bơm vào ruộng để chạy máy lần cuối và gieo giống luôn. Như vậy sẽ không cập rập thời vụ và tiết kiệm được nước tưới” - bà Bông cho biết.
Bà Đặng Thị Bông lấy nước vào ruộng, chuẩn bị công tác làm đất
Dường như khoảng ruộng đã đủ nước để phục vụ cho cuộc cày ải cuối cùng, vừa nói, bà vừa điều chỉnh chiếc máy bơm dã chiến cho lưu lượng nhỏ lại. Nước lại dồn lên kênh, đổ về cho những ruộng sau.
Bà bảo, với thời tiết 39 - 40 độ C thì nước chưa kịp ngấm đất đã bay hơi hết, thế nên, làm nông một là phải trang bị chiếc máy bơm dã chiến để “cứu” hạn, hai là phải “nhanh hơn trời”, làm đất đến đâu, gieo cấy đến đó.
Buổi chiều, cái nắng bỏng rát nơi “khúc ruột miền Trung” càng rõ rệt. Nhiệt độ cao từ sáng sớm đến chiều muộn khiến mọi thứ trở nên khô khốc, con người luôn trong trạng thái mỏi mệt. Thế nhưng, để kịp mùa vụ, người nông dân vẫn phải bám đồng.
Những chiếc máy cày được che chắn để tránh nắng hè bỏng rát trên ruộng đồng Hà Tĩnh.
Từ khoảng 3h, những chiếc máy làm đất đã bắt đầu xuống đồng. Máy cày xuống ruộng, đất được nhào lộn để phần nào giảm nhiệt, dịu hẳn đi sau một ngày bị phơi nắng. Theo sau là bà con nông dân, họ dùng cào gom cỏ rối, là phẳng mặt ruộng, bón phân và xuống giống để giữ nguồn nước, kịp thời vụ ngắn ngủi.
Càng nắng, gió phơn thổi càng mạnh, khí nóng hầm hập lan từ dưới bàn chân chạy dọc lên đỉnh đầu. Người nông dân lao động trên cánh đồng, chốc chốc lại phải bỏ dở công việc tạm nghỉ trên bờ ruộng, uống chút nước bù lại sức.
Bà Nguyễn Thị Chiến (thôn Trà Dương, xã Quang Lộc, Can Lộc) cho hay: “Nhà tôi làm 1 mẫu, ruộng sâu thì cấy, ruộng cạn thì gieo. Mùa này, hoặc phải ra đồng khi mặt trời chưa tỏ, hoặc phải chiều muộn, nếu không giống sẽ bị “luộc” chín vì nắng nóng.
Ấy thế mà cây lúa yếu ớt lại thích nghi rất tốt, có lúc mạ cấy xuống héo queo hết, thế mà sau một đêm, rễ bám đất lại hồi sinh”.
Tranh thủ thời vụ, bà con vừa làm đất, vừa gieo cấy
Ở Đức Thọ, không khí sản xuất vụ hè thu sôi động từ nửa tháng trước. Đó là lúc người nông dân thu hoạch gọn vụ lúa xuân để ra đồng vệ sinh đồng ruộng, tranh thủ lấy nước làm đất sớm để tránh được giai đoạn cao điểm của nắng nóng.
“Mấy năm nay, gia đình tôi chủ yếu làm giống Bắc thơm và Nếp 98, dễ làm, dễ bán. Gieo mạ cách đây một tuần, mạ đã lên “mũi chông” rồi, chắc khoảng 1 tuần nữa là xuống cấy được” - bà Phạm Thị Hà (thôn Trung Đông, xã Lâm Trung Thủy) bộc bạch.
Chẳng mấy nơi như Hà Tĩnh, nắng cháy đỏ đồng, nắng cho nứt đất nẻ đai nhưng cũng có khi thời tiết quay ngoắt “180 độ” vì những trận mưa như thể cả túi nước ập trên đầu. Bởi thế, người nông dân cũng có những ứng xử với thiên nhiên rất kịp thời.
Chỉ có vẻn vẹn 100 ngày cho vụ sản xuất hè thu ngắn ngủi nên họ phải lựa chọn bộ giống “con nhà nghèo”. Đây là giống lúa không đòi hỏi quá cao về dinh dưỡng, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và có thời gian sinh trưởng trong khung an toàn.
Những gương mặt đẫm mồ hôi trong nắng nóng vẫn luôn bền bỉ với ruộng đồng
Thời điểm này, đối với những xã cuối nguồn kênh tưới của Thạch Hà như: Thạch Văn, Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Kênh… dòng nước tưới hè thu được ví là vàng trắng.
Những ngày nắng rang khô ruộng đồng, nước không kịp đổ về thì bà con nông dân ở đây lại trải qua những đêm không ngủ. Họ phải chạy ngược tuyến kênh chính, bằng mọi cách ép nước về xuôi. Nước về, đồng vui như hội bởi tiếng máy cày xuyên đêm.
Dõi theo tình hình sản xuất của bà con từ đầu vụ đến nay, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhắn nhủ: “Thời tiết có nhiều diễn biến khác biệt, “rình rập” nhiều cực đoan trong vụ hè thu 2020.
Chính vì vậy, việc nắm bắt thời tiết là điều hết sức quan trọng, các địa phương cần bám vào kế hoạch sản xuất của tỉnh, tập trung cao cho vụ sản xuất hè thu trên tinh thần “ưu tiên thời vụ, châm chước khâu làm đất”, phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa hè thu trước 10/6”.
Vụ sản xuất hè thu đã sôi động trên khắp các cánh đồng. Những bàn tay thô ráp, cháy sạm đang miệt mài gieo mạ, cấy lúa. Rồi mai, trên những thửa ruộng “nước như ai nấu” ấy lại bật lên những mầm xanh tươi mới.
Trong nhịp sinh trưởng và phát triển của cây như cũng chứa chan bao ước mơ, kỳ vọng của người nông dân một nắng hai sương. Để khi những gian khổ qua đi, những căn bếp thôn quê lại dậy thơm mùi cơm mới. Và những đứa trẻ lại vui sướng mà rằng: “Em vui em hát, hạt vàng làng ta”…