Khu vườn của bà Nguyễn Thị Thìn (xóm Yên Nghĩa) năm ngoái còn là vườn tạp thì năm nay đã phủ xanh bằng rau màu các loại
Cũng như bao người dân trên địa bà xã Thạch Lưu, khu vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Thìn (xóm Yên Nghĩa, xã Thạch Lưu, Thạch Hà) có diện tích tương đối lớn (khoảng 1.200 m2). Vườn cha ông để lại nên trước đây chỉ toàn tro, tre rậm rạp không mang lại hiệu quả kinh tế. Chính vì thế, khi nghe xã vận động xóa bỏ vườn tạp để trồng rau màu, bà Thìn như “vớ được phao” và hưởng ứng ngay.
Quy hoạch lại vườn để trồng rau màu, gia đình bà Thìn thu nhập mỗi ngày từ 100 - 200 nghìn đồng
Cuối năm 2018, được địa phương hỗ trợ máy cưa để cắt bỏ cây tạp, bà Thìn đã mạnh dạn đầu tư 70 triệu đồng để đổ đất, quy hoạch lại vườn, trồng các loại cây ăn quả và rau màu như: cam, bưởi, dưa chuột, mướp đắng, bí, rau cải, mồng tơi... Đến nay, rau màu của gia đình đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Thìn cho biết: “Không chỉ đẹp vườn, thoáng nhà mà việc cải tạo vườn tạp cũng giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập mỗi ngày từ 100 đến 200 nghìn đồng. Rau màu của tôi được sản xuất theo quy trình sạch nên làm đến đâu tiêu thụ đến đó và khách hàng đến tận vườn để mua chứ ít khi phải mang ra chợ bán”.
Bà Nguyễn Thị Phong (xóm Đông Tiến) là một trong những hộ dân tiên phong xóa bỏ vườn tạp để trồng rau màu các loại
Cũng thay đổi tư duy từ cải tạo vườn tạp, gia đình bà Nguyễn Thị Phong (xóm Đông Tiến, xã Thạch Lưu, Thạch Hà) trở thành một trong những nhân tố đi đầu với nhiều sáng kiến làm vườn hiệu quả.
Để giữ đất không bị xói mòn do mưa, bà Phong tận dụng các vật liệu như: tấm nhựa, gạch ngói cũ, phủ lưới che để bao luống. Nhờ vậy mà khu vườn rộng 600m2 của gia đình bà Phong tháng nào cũng cho thu nhập đều đặn từ 2 – 3 triệu đồng.
Người dân tận dụng ngói cũ để bao luống nhằm giữ cho đất không bị xói mòn do mưa
Từ những nhân tố điển hình như bà Phong, bà Thìn, phong trào phá bỏ cây tạp để làm vườn được người dân đồng loạt hưởng ứng. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, được xã hỗ trợ máy đào, máy cưa để phá bỏ cây tạp, nhà nhà đã đua nhau đổ đất nâng vườn, quy hoạch lại vườn tược và áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật mới để trồng rau màu. Hiện tại, toàn xã Thạch Lưu có gần 700 hộ đã thực hiện phá bỏ cây tạp để phát triển kinh tế vườn, trong đó có 70% vườn hộ canh tác rau màu hàng hóa.
Chủ tịch UBND xã Thạch Lưu - Phạm Văn Hùng cho biết: “Xã có diện tích vườn hộ lớn, trung bình nhà ít cũng có 500m2, nhiều thì hơn 1.000m2. Tuy vậy, vườn hộ của bà con trước đây chủ yếu là cây tạp. Chính vì thế, sau khi triển khai xây dựng NTM, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã có ý tưởng cải tạo vườn tạp để trồng rau màu”.
Xen canh giữa rau màu, người dân Thạch Lưu trồng các loại cây ăn quả
Để triển khai phong trào xóa bỏ vườn tạp, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy, hành động của bà con. Quyết liệt nhất là 2 năm trở lại đây, xã đã đầu tư máy móc, giúp ngày công cùng với bà con xóa bỏ vườn tạp. Riêng năm 2018 và đầu năm 2019, địa phương trích kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng thuê máy đào, máy cưa để giải phóng hành lang, lề đường và giúp hơn 70% hộ dân trên địa bàn xóa bỏ 20 ha vườn tạp.
“Mục tiêu ban đầu là giúp bà con xóa bỏ vườn tạp nhưng đích đến của địa phương là phát triển kinh tế vườn trở thành mũi nhọn. Và nay, đích đến của chúng tôi đang dần trở thành hiện thực” – Chủ tịch UBND xã Thạch Lưu nhấn mạnh.
Trồng rau màu trong vườn hộ thực sự đã trở thành phong trào ở khắp các xóm trên địa bàn xã Thạch Lưu
Công cuộc xóa bỏ vườn tạp để phát triển các vườn rau màu, cây ăn quả… nay đã trở thành hiện thực ở xã Thạch Lưu. Nhưng để duy trì những vườn rau hàng hóa bền vững, có hiệu quả kinh tế lại đang là một bài toán khó đối với địa phương.
Để giúp người dân nâng cao trình độ canh tác, thời gian tới, xã dự kiến phối hợp với các hội làm vườn, hội nông dân… để tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng rau màu trong vườn hộ cho bà con. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm cũng đang được địa phương tìm kiếm để giúp bà con yên tâm canh tác.