Sinh ra trong gia đình nghèo có 5 anh em, Nguyễn Văn Công phải nghỉ học từ năm cấp 2, đi làm thuê làm mướn cho người dân quanh vùng để có tiền giúp đỡ bố mẹ nuôi các em. Đang ở độ tuổi 20 với bao ước mơ và hoài bão thì Công lên cơn sốt rồi bị liệt đôi chân. Mặc dù gia đình đã đưa đi khắp nơi để chữa trị nhưng không khỏi, từ đó, Công gắn mình với chiếc xe lăn.
Dù phải ngồi xe lăn nhưng anh Công rất chăm chỉ làm việc, không ngừng sáng tạo để vượt lên số phận
“Tôi buồn bã và tuyệt vọng đến mức nhiều lần định tìm đến cái chết. Nhưng sau khi đến với Trung tâm dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh, thấy nhiều người cũng như mình mà vẫn sống, vẫn làm việc lạc quan nên tôi có thêm động lực và quyết tâm vượt lên chính mình…” - anh Công chia sẻ.
Theo học nghề mộc và dần trở thành một người thợ lành nghề, Công cùng với nhiều học viên khác đã tạo ra được các sản phẩm chất lượng, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, máy móc của trung tâm bị hỏng hóc, thị trường gặp khó khăn nên nghề này bị gác lại. Công tiếp tục tìm hiểu và chuyển sang nghề in lưới. Sau gần một năm miệt mài học tin học văn phòng, in ấn, Công cùng với 5 người khác trong tổ in của trung tâm đã cung cấp các sản phẩm in có chất lượng cho khách hàng.
Thu nhập từ nghề in và công việc uốn lưỡi câu giúp anh trang trải cuộc sống, hỗ trợ gia đình
Năng động tìm thêm nguồn thu nhập, với đôi tay khéo léo, Công tự đi kết nối và nhận uốn lưỡi câu cho một cửa hàng ở chợ TP Hà Tĩnh. Công việc tay trái này được anh tranh thủ làm vào ban đêm. Thu nhập từ nghề in và công việc uốn lưỡi câu, ngoài tự trang trải cuộc sống, Công dành để gửi nuôi em gái ăn học. Nay em đã ra trường, anh lại tích góp gửi về nuôi bố mẹ già.
Anh Thái Ngọc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh nhận xét: “Dù phải ngồi xe lăn nhưng Công rất chăm chỉ làm việc, không ngừng sáng tạo để vượt lên số phận, làm người có ích cho gia đình và xã hội. Anh là một tấm gương về nghị lực vượt khó, miệt mài lao động, đáng để mọi người học tập”.