Địa phương đầu tiên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại Hà Tĩnh qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới

(Baohatinh.vn) - Thị trấn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) - địa phương đầu tiên xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Hà Tĩnh đã thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống. Đến nay, đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, thị trấn Cẩm Xuyên đủ điều kiện cơ bản để công bố hết dịch.

Nghiêm ngặt xử lý, kiểm soát các nguồn lây bệnh

Ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trên đàn lợn 55 con của hộ ông Đặng Văn Đoàn ở tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên vào ngày 17/5. Đến nay, ông Đặng Văn Đoàn vẫn thường xuyên vệ sinh chuồng trại, rắc vôi, phun tiêu độc khử trùng.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Xuyên Nguyễn Anh Đức cho biết: “Ngay khi nhận được tin báo từ cơ sở, thị trấn đã tiến hành lấy mẫu đàn lợn của hộ xuất hiện dịch gửi Cơ quan Thú y vùng 3 để xét nghiệm; sau đó, tiến hành tiêu hủy 55 con lợn nhiễm bệnh theo đúng hướng dẫn. Ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với DTLCP, thị trấn đã phối hợp với các lực lượng chức năng công bố dịch theo quy định; tiến hành áp dụng các biện pháp phòng, chống một cách triệt để tại vùng dịch”.

Cùng với đó, chính quyền địa phương đã vận động, tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm và bồ câu của gia đình ông Đặng Văn Đoàn (tổ dân phố 6); đàn vịt hơn 500 con cũng không được xuất bán ra khỏi trại, tránh mầm bệnh lây lan rộng hơn.

Ông Đặng Văn Đoàn cho biết: "Sau khi tiến hành tiêu hủy lợn theo đúng quy trình, chúng tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, rắc vôi, phun tiêu độc khử trùng 1 lần/ngày; đến bây giờ là 1 lần/3 ngày. Mình có ý thức để dịch không lây lan, tránh thiệt hại cho những hộ chăn nuôi xung quanh”.

Chốt kiểm dịch có người thường xuyên túc trực để ngăn dịch lây lan trên diện rộng sang các hộ chăn nuôi khác.

Tại tâm điểm ổ dịch, thị trấn Cẩm Xuyên lập 2 điểm chốt kiểm soát luôn có lực lượng chức năng túc trực 24/24h để phun hóa chất tiêu độc khử trùng, 10 biển cảnh báo khu vực có dịch, đồng thời quản lý chặt chẽ việc vận chuyển buôn bán, giết mổ gia súc vào ra địa bàn.

Ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hợp Lực cũng “mất ăn, mất ngủ” vì chỉ cách ổ dịch hơn 200m. Ông Cảnh chia sẻ : “Chúng tôi đã thực hiện mọi biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn. Mặt khác, chúng tôi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đồng thời, tăng lượng thuốc khử trùng nhiều gấp 4 - 5 lần với bình thường để ngăn ngừa, không để mầm bệnh xâm nhiễm. Đến thời điểm này, đàn lợn trong trại vẫn được đảm bảo khỏe mạnh”.

Hạn chế tối đa dịch xâm nhiễm trên diện rộng

Công tác phòng, chống dịch được thị trấn Cẩm Xuyên thực hiện tốt, đảm bảo khống chế dịch tại chỗ.

Sau khi rà soát, tổng đàn lợn trên địa bàn thị trấn hiện có 3.800 con. Chính quyền thị trấn đã tổ chức cho 191 họ chăn nuôi, 15 hộ giết mổ hộ dân ký cam kết thực hiện “5 không", bao gồm: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa khi chưa qua xử lý nhiệt.

Ngoài ra, phát thông tin trên hệ thống loa truyền thanh, vận động bà con chủ động mua thêm vôi bột, hóa chất, tăng khẩu phần ăn nhiều chất dinh dưỡng để tự bảo vệ đàn lợn của gia đình.

Về việc vận chuyển, giết mổ, UBND thị trấn Cẩm Xuyên lập tức nghiêm cấm hoạt động buôn bán, giết mổ từ thời điểm phát hiện ổ dịch dương tính đến ngày 10/6 theo hướng dẫn của UBND huyện Cẩm Xuyên tại Công điện số 1260 ngày 7/6/2019. Từ ngày 10/6 đến nay, khi dịch cơ bản được khống chế, mỗi ngày có khoảng 8 – 10 con lợn được đưa vào giết mổ tập trung, chủ yếu là lợn có nguồn gốc tại thị trấn Cẩm Xuyên và có phiếu xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi.

Từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, địa phương đã qua 30 ngày mà không phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện cơ bản để công bố hết dịch.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Xuyên Nguyễn Anh Đức cho biết: “Theo quy định sau 30 ngày, kể từ khi tiêu hủy động vật cuối cùng mắc bệnh và không phát hiện thêm dịch bệnh, thì đủ điều kiện để công bố hết dịch. Vì vậy, chúng tôi đang làm thủ tục đề nghị với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra, thẩm định điều kiện công bố hết dịch theo đúng quy trình. Địa phương sẽ không lơ là, chủ quan, tiếp tục công tác phòng chống dịch, tránh bùng phát dịch trở lại”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói