Điện Biên Phủ - niềm tin tất thắng!

(Baohatinh.vn) - “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng…”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử thế giới như một huyền thoại, là mốc son chói lọi của lịch sử Việt Nam. Đến hôm nay và cả mai sau, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn là bài học nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

“Đánh chắc, tiến chắc” - một quyết định lịch sử

Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Thưa Bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến Bác và Bộ Chính trị”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh” (*).

dien bien phu niem tin tat thang

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Trường Chinh (giữa) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là trận đánh lớn nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên, tỉnh Lai Châu, từ ngày 13/3 đến 7/5/1954 và cũng là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) của quân và dân Việt Nam. (Ảnh: Reuters.)

Lúc đầu, ta chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh”. Phương châm đó có lợi là ít tiêu hao, mệt mỏi và hậu cần chiến dịch bớt khó khăn, trở ngại. Ngày 14/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ đã chính thức quán triệt phương châm tác chiến và giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Điều trăn trở của Đại tướng không chỉ vì Bác đã dặn: chỉ được thắng, không chắc thắng thì không đánh, mà còn vì trách nhiệm trước xương máu của chiến sĩ quân đội ta. Lúc này, 3/4 lực lượng cơ động chiến lược đã dồn lên chiến trường Điện Biên Phủ. Nếu chiến dịch không thắng, hơn 4 đại đoàn chủ lực bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến chống Pháp và vị thế đoàn ngoại giao của ta tại Hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ bất lợi.

Sau một đêm thức trắng, sáng 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.

dien bien phu niem tin tat thang

Đoàn dân công đẩy xe đạp thồ chở vũ khí, lương thực, thuốc men... lên trận tuyến. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta đã sử dụng hơn 20.000 xe đạp thồ, vận chuyển hàng trăm km. (Ảnh: Getty.)

Kế hoạch tác chiến mới nhanh chóng được chuyển đến Đảng ủy tất cả các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, với nội dung: Tạm dừng tấn công, cho kéo pháo ra xây dựng trận địa kiên cố để đánh dài ngày, không để hỏa khí lộ và tập trung như trước; chuẩn bị công sự ngụy trang chắc chắn và củng cố tinh thần, tư tưởng bộ đội.

Đỉnh cao của nghệ thuật quân sự

Sau khi thống nhất thay đổi chiến thuật, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lệnh động viên toàn thể cán bộ và chiến sỹ, toàn thể các đơn vị, binh chủng mở cuộc đại tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

13h ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Quân ta đã “trói chặt”, chia cắt thế liên hoàn của địch để lần lượt tiêu diệt từng bộ phận và đập tan mọi kế hoạch tháo chạy của chúng. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm trải dài trên một diện tích khoảng 40 km2. Ta đã tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh từng trận hay một số trận gối đầu liên tiếp, diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi, trước hết là các điểm cao khống chế phía Bắc rồi phía Đông, “bóc vỏ” từ ngoài vào, mở đường tiến xuống cánh đồng Mường Thanh, tiếp cận và từng bước uy hiếp tiến tới tiêu diệt phân khu trung tâm, trọng điểm là sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm.

Sau thắng lợi bước đầu của ta ở đợt 2, địch vẫn còn hơn 1 vạn quân chiếm giữ trên các điểm cao khống chế và hỏa lực còn rất mạnh. Trước tình hình đó, ta đã chủ trương dùng lực lượng nhỏ dưới các hình thức đánh lấn, phá hủy từng ụ đề kháng, tiêu diệt thêm một số vị trí địch; bắn tỉa tiêu hao địch rộng rãi làm cho binh lính địch luôn ở trong trạng thái căng thẳng; đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp không phận, triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện của địch. Chọn cách đánh phù hợp, ta đã làm cho địch quân còn đông mà hóa ra ít, trang bị còn nhiều mà hóa yếu, tinh thần, vật chất và thế trận hoàn toàn rơi vào thế bất lợi. Đến cuối tháng 4, ta đã uy hiếp mạnh phân khu trung tâm và chuẩn bị đầy đủ điều kiện chắc thắng để chuyển sang đợt tiến công cuối cùng.

“Thắng lợi nhất định về ta”

Đến ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Tổng số quân địch bị bắt sống là 16.200 tên. Tổng số sỹ quan và hạ sỹ quan bị diệt và bị bắt là 1.706 tên; số máy bay bị bắn rơi tại mặt trận là 57 chiếc. Ta đã thu toàn bộ kho tàng vũ khí của địch ở Điện Biên Phủ.

dien bien phu niem tin tat thang

Chiến thắng Điện Biên Phủ được ghi dấu như một mốc son thời đại. Ảnh tư liệu

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giải phóng vùng đất đai có ý nghĩa chiến lược, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của ta đi tới kết thúc thắng lợi; là khúc nhạc mở màn cho bản hùng ca chống Mỹ cứu nước. Như vậy, đúng như dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, với tính chất toàn dân, toàn diện, Việt Nam đã làm nên “Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 7/5/1954 và 21 năm sau, dân tộc Việt Nam đã làm nên đại thắng mùa Xuân 30/4/1975, Tổ quốc ca khúc khải hoàn, đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Đó cũng chính là niềm tin tất thắng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong phần cuối “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946):

“Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”

-------

(*) Võ Nguyên Giáp: Thế giới còn thay đổi, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Ban Khoa học Xã hội Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, 1991, tr.79

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.