Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh kiểm tra rừng trồng keo của đơn vị ở xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) tại thời điểm bị bão số 10 tàn phá. Ảnh tư liệu
Dù cơn bão số 10 đã đi qua gần 1 năm rưỡi, nhưng thời gian vừa qua vẫn có một số ý kiến phản ánh việc nhiều diện tích đất rừng không được tái sản xuất sau thiên tai. Nguyên nhân là do người dân thiếu vốn sản xuất sau khi bị thiên tai gây thiệt hại nặng nề.
Theo đó, nhiều người muốn được Nhà nước hỗ trợ để khôi phục sản xuất, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống theo tinh thần Nghị định số 02/2017/NĐ của Chính phủ về hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh.
Một năm rưỡi sau thiên tai, những cánh rừng nguyên liệu đã xanh ngát trở lại...
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trên những cánh rừng trước đây bị bão tàn phá nặng nề ở huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê... màu xanh đã phủ kín. Hầu hết diện tích trồng lại là keo tràm để làm gỗ nguyên liệu đang được người dân, các chủ rừng chăm sóc cẩn thận và phát triển tốt.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh khẳng định: “Lâm phần do đơn vị quản lý nằm trong vùng càn quyét của bão nên vào thời điểm đó đã có hàng trăm ha rừng trồng bị hư hại. Tuy nhiên, ngay sau đó, chúng tôi đã kiểm đếm, đánh giá tình hình, xin ý kiến chỉ đạo và tập trung tái sản xuất. Các hộ ký hợp đồng nhận khoán với Ban cũng đã sớm trồng lại. Do vậy, không có việc đất rừng bị bỏ trống do thiếu vốn sản xuất”.
Sau bão số 10 năm 2017, người dân Lộc Yên (Hương Khê) đã tập trung khôi khục lại những cánh rừng keo tràm nên hiện nay đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Đến nay, gần 4.000 ha rừng trồng của Ban Quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ, Công ty Cao su Hà Tĩnh và các chủ rừng khác cũng đã được khôi phục. Bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, các đơn vị đã chủ động khắc phục khó khăn, từng bước tiến hành trồng lại hoặc có biện pháp chăm sóc các diện tích bị hư hại.
Ngoài ra, các chủ rừng đã đôn đốc, chỉ đạo người dân được nhận khoán đất rừng chủ động khôi phục lại sản xuất, không để đất trống đồi trọc.
Màu xanh trên những cánh rừng trồng thuộc lâm phần Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ
Kinh phí tái sản xuất không quá lớn (10-12 triệu đồng/ha để làm đất, mua giống, thuê người trồng) nên tất cả diện tích rừng sản xuất được giao cho người dân bị hư hỏng cũng đã được trồng lại. Diện tích trồng sớm đến nay đã hơn 1 năm tuổi, số trồng muộn cũng đã được 3-4 tháng tuổi.
Ông Vũ Trung Tiến - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) cũng khẳng định: “Rừng bị ảnh hưởng của bão số 10 năm đó đến nay đã được người dân khôi phục lại hoàn toàn. Một số người có ý kiến như vậy vì họ mong muốn được hỗ trợ theo nghị định của Chính phủ”.
Đồi keo được trồng xen sau bão số 10 ở xã Ngọc Sơn, Thạch Hà
Thực tế tình hình biến động rừng tại Chi cục Kiểm lâm cũng cho thấy, toàn bộ diện tích 41.340 ha rừng bị thiệt hại trong đợt thiên tai 2017 của các địa phương, đơn vị đã được các chủ rừng khôi phục hoàn toàn (chủ yếu trồng keo tràm), không có diện tích nào bị bỏ trống. Trong số này, gần 19.000 ha bị thiệt hại trên 70%, nhiều cây đủ lớn được khai thác để trồng mới; hơn 12.000 ha hư hại ít hơn.
Khoản 2, Điều 1 Quyết định 1872/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiên tai năm 2017, ghi rõ: “Giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP”. Do thiệt hại về nông nghiệp của tỉnh ta quá lớn (khoảng 2.400 tỷ đồng), vượt khả năng cân đối ngân sách của tỉnh nên chỉ bố trí được 23,1 tỷ đồng và một số loại giống cây nông nghiệp, phân bón, thuốc phòng trừ dịch bệnh. Riêng về kinh phí hỗ trợ cho người trồng rừng không cân đối được để thực hiện... |