Điều gì xảy ra nếu 1.500 núi lửa trên Trái Đất cùng phun trào

Nếu 1.500 ngọn núi lửa còn hoạt động trên khắp thế giới phun trào cùng lúc, thảm họa có thể khiến loài người rơi vào ngày tận thế.

dieu gi xay ra neu 1 500 nui lua tren trai dat cung phun trao

Một vụ phun trào của núi lửa Etna ở Italy vào năm 2013. Ảnh: Corbis.

Theo Flash Forward, Trái Đất hiện có 1.500 núi lửa còn hoạt động. Đây là những ngọn núi lửa từng phun trào ít nhất một lần trong suốt 10.000 năm qua. Con số này chưa bao gồm vành đai núi lửa kéo dài liên tục dưới đáy đại dương với khoảng 500 ngọn núi lửa từng phun trào trong lịch sử. Tuy nhiên, không phải mọi vụ phun trào đều giống nhau.

"Bạn có thể xếp các vụ phun trào theo hai nhóm. Nhóm đầu tiên sản sinh các dòng dung nham và nhiều khí gas gọi là "effusive" (chảy tràn). Nhóm thứ hai tạo ra tro bụi và khí gas mang tên "explosive" (bùng nổ). Sự khác biệt trong hoạt động phun trào chủ yếu do độ nhớt của magma (đá nhão). Đá magma càng nhớt càng khó thoát khí và khả năng xảy ra vụ nổ càng cao", tiến sĩ Matthew Watson, chuyên gia về núi lửa ở Đại học Bristol, Anh, cho biết.

Dù các vụ phun trào có thể khác nhau, nếu tất cả núi lửa trên Trái Đất hoạt động cùng lúc, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Thiệt hại sơ bộ ở những khu vực gần núi lửa

Các cư dân sống ở phạm vi núi lửa phun trào không chỉ bị ảnh hưởng bởi dòng magma mà cả những đám mây tro bụi khổng lồ. Dòng nham tầng (pyroclastic flow) là những đám mây đá, tro, khí gas di chuyển nhanh và rất nóng với nhiệt độ lên tới 1.000 °C. Chúng có thể chuyển động ở tốc độ 724 km/h nên hầu như không ai có thể chạy thoát. Không chỉ ảnh hưởng tới cư dân sống ở lân cận, dòng nham tầng còn có thể gây thiệt hại trong bán kính 160 km xung quanh núi lửa.

Thiệt hại trên diện rộng

Những cột tro bụi từ các vụ phun trào có thể vươn cao hàng nghìn km. "Tro bụi là thứ không mấy dễ chịu. Chúng bao gồm những mảnh thủy tinh, tinh thể và đất đá nhỏ", tiến sĩ Watson nói.

Không chỉ có khả năng phá hủy động cơ máy bay, tro bụi núi lửa dày đặc có thể làm sập các tòa nhà khi chúng tích tụ và dần dần làm móng nhà sụp xuống. Hít phải tro bụi có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng đối với phổi, bao gồm bệnh bụi phổi.

Con người không thể đi lại nếu không đeo mặt nạ phòng độc. Ngoài ra, các kênh liên lạc sẽ ngừng hoạt động do tro bụi làm gián đoạn hoạt động của vệ tinh và chặn sóng vô tuyến.

Biến đổi khí hậu trong dài hạn

Các vụ phun trào núi lửa có thể kéo theo những biến đổi dài hạn đối với khí hậu Trái Đất. Trên thực tế, lượng tro bụi và khí gas khổng lồ giải phóng từ miệng núi lửa sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu hạ thấp.

"Sự gia tăng đột ngột trong nồng độ sulphur dioxide làm hình thành các hạt nhỏ gọi là aerosol khi gặp nước, phản xạ ánh sáng Mặt Trời ngược trở lại. Quá trình này sẽ làm hành tinh mát hơn, thậm chí tạo ra kỷ Băng hà nhỏ", tiến sĩ Watson chia sẻ.

Tuy nhiên, trong thời gian dài hơn, con người có thể gặp hiệu ứng ngược lại với nhiệt độ gia tăng. "Sau hàng trăm năm, khí carbon dioxide (CO2) do núi lửa giải phóng sẽ làm hành tinh nóng lên", tiến sĩ Watson cảnh báo.

Theo VNE

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.