Các đồng chí: Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Tú Anh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 23/10 và tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 29/11/2023. Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 2 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tiến hành giám sát tối cao; chất vấn và trả lời chất vấn. Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; quyết định một số vấn đề quan trọng khác. |
Làm tốt công tác dân nguyện, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri
Trước Kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức tiếp xúc cử tri tại các địa phương; tổ chức làm việc với một số cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh; lấy ý kiến bằng văn bản của UBND tỉnh và các sở, ngành.
Qua đó, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền Trung ương báo cáo tổng hợp về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Quốc hội; ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền cấp tỉnh chuyển UBND tỉnh giải quyết.
Chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, sáng 20/9, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Toà án nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Đối với ý kiến, kiến nghị cử tri tỉnh gửi tới trước và sau Kỳ họp thứ 5, đến nay đã có 33/64 nội dung được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trả lời. Các nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh đã được UBND tỉnh trả lời đầy đủ. Sau khi có ý kiến trả lời, đoàn sao gửi để chuyển tải đầy đủ đến các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi cử tri kiến nghị đồng thời đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng để thông tin kịp thời cho cử tri tỉnh nhà.
Các ĐBQH trong đoàn cơ bản tham gia đầy đủ các phiên tiếp công dân định kỳ của tỉnh và tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở. Từ sau Kỳ họp thứ 5, đến ngày 25/9/2023, đoàn nhận được 16 đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh của công dân. Đoàn đã chuyển 3 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hướng dẫn, giải thích, trả lời công dân 2 đơn; còn lại lưu theo dõi theo quy định của pháp luật. Đoàn giám sát 1 vụ việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đoàn cũng đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo nhận xét, đánh giá kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5; báo cáo tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; báo cáo hằng tháng về công tác dân nguyện.
Tập trung nghiên cứu, chuẩn bị nội dung tham gia công tác lập pháp
Ngay khi có dự thảo luật, nghị quyết và các tài liệu, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, các đối tượng chịu tác động của chính sách, pháp luật. Các ý kiến góp ý được Đoàn ĐBQH tổng hợp kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi các ĐBQH trong đoàn làm tư liệu tham gia thảo luận tại kỳ họp.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu về Luật Đất đai sửa đổi tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã và đang phối hợp với một số cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai khảo sát thực tế, tổ chức hội nghị xây dựng pháp luật, hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về một số dự án luật để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp.
Các ĐBQH trong đoàn cũng tích cực tham dự hội nghị ĐBQH chuyên trách xây dựng pháp luật, các phiên họp của các ủy ban của Quốc hội để thẩm tra, cho ý kiến về các dự án luật và các nội dung quan trọng liên quan đến kỳ họp tới.
Để tham gia góp ý vào các dự án luật và nghị quyết hiệu quả, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã thu thập tài liệu, chủ động nghiên cứu, hợp đồng thuê chuyên gia, chuẩn bị nội dung thảo luận đồng thời đề nghị ĐBQH tập trung nghiên cứu và tham gia thảo luận một số nội dung theo lĩnh vực chuyên sâu, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tiếp tục hoàn thiện dự án luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chuẩn bị các nội dung quan trọng xem xét, thảo luận tại kỳ họp
Đoàn ĐBQH tỉnh đã giao Văn phòng tham mưu, đồng thời đề nghị UBND tỉnh quan tâm phối hợp chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất nội dung thảo luận một số vấn đề dự kiến Quốc hội cho ý kiến, quyết định tại kỳ họp như: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, quyết định kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; quy hoạch không gian biển quốc gia; công tác quản lý cán bộ, công chức; lộ trình cải cách chính sách tiền lương ...
Trong đó tập trung đánh giá khái quát kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và các kiến nghị, đề xuất cụ thể với Quốc hội, Chính phủ, nhất là những vấn đề gắn với địa phương. Đó cũng là cơ sở quan trọng để các ĐBQH tham gia bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Tích cực tham gia các hoạt động giám sát
Triển khai kế hoạch của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Đồng thời, chuẩn bị các nội dung tham gia thảo luận kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”,“chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng”; giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; kết quả giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về chất vấn và trả lời chất vấn, qua nghiên cứu Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ đề xuất vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 6; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lấy ý kiến ĐBQH, Quốc hội sẽ quyết định lựa chọn vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn; khi có nhóm vấn đề, các vị ĐBQH sẽ chuẩn bị nội dung chất vấn cụ thể để tham gia.
Ngoài ra, các ĐBQH trong đoàn đã tham gia hội nghị chất vấn phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Gắn kết với cử tri, đưa pháp luật vào đời sống
Nhằm rà soát, đôn đốc, đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực, chủ động và tổ chức điểm cầu, các ĐBQH trong đoàn tham gia Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh tại hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Đoàn cũng đang tiếp tục triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp marketing lãnh thổ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Hà Tĩnh”.
Bên cạnh đó, nhằm gắn kết với cử tri, đoàn cùng với Bộ Tư lệnh Quân khu 4 vận động một số doanh nghiệp hỗ trợ 640 triệu đồng xây dựng, bàn giao 8 căn nhà nhân ái; vận động Agribank hỗ trợ 2 tỷ đồng xây dựng nhà ở nội trú cho giáo viên xã Hương Lâm, huyện Hương Khê; tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhiều gia đình thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng nhân ngày 27/7.
Các ĐBQH trong đoàn nghiên cứu, góp ý về dự kiến chương trình, các nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh chủ động phối hợp với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan chức năng đảm bảo điều kiện tham gia Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Với sự tích cực, chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng tham gia kỳ họp, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH sẽ tham gia có chất lượng cùng Quốc hội có những quyết sách quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.