Đoàn tàu không số đẹp mãi ký ức

(Baohatinh.vn) - Đất nước thống nhất, những người lính trên những con tàu không số được trở về với cuộc sống đời thường. Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng những hình ảnh về đoàn tàu không số, về ý chí chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của họ.

“Phải công nhận là ta giỏi”!

70 tuổi, vui thú điền viên cùng vợ và con cháu tại quê nhà nhưng khi nhắc đến đoàn tàu không số, nét mặt ông Bùi Diến (xã Thạch Khê, Thạch Hà) rạng ngời, sôi nổi. Ông mở đầu câu chuyện với đôi mắt tinh anh: “Phải công nhận là ta giỏi! Giữa biển cả mênh mông, bao la, ta chỉ có một ống nhòm, 1 cái la bàn mà vẫn đến đúng những nơi cần đến. Đêm dùng trăng sao, ngày dùng mặt trời tính thiên văn, địa văn mà rất chính xác. Tôi tham gia tàu không số từ năm 1967, làm trưởng ngành hàng hải, kết nạp Đảng trên tàu. Đến năm 1970 thì được cử đi học. Để tôi dẫn các cháu đến gặp ông Hòa (Lê Văn Hòa - Thạch Bằng, Lộc Hà), ông ấy tham gia “tàu không số” vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam liên tục trong những năm khó khăn nhất. Hòa khỏe và xốc vác, chúng tôi yêu thương nhau như con một nhà”…

Các cựu chiến binh Bùi Diến (trái) và Lê Văn Hòa (phải) chia sẻ câu chuyện về đoàn tàu không số năm xưa.

Đã có hẹn trước với ông Diến nên ông Hòa ra đón chúng tôi ngay ở đường lớn. Nụ cười hiền hậu như làm vơi bớt nét khắc khổ trên gương mặt người cựu binh nhiễm chất độc da cam. Tay bắt mặt mừng, họ ngồi bên nhau, vẫn “anh, em” thân thiết như những ngày cùng nhau rẽ sóng cưỡi gió đưa vũ khí vào cho chiến trường miền Nam.

“Hồi ấy, những năm 1970, cả xã Thạch Kim có 34 người đi lính nhưng chỉ có mình tôi tham gia tàu không số. Yêu cầu đối với chiến sỹ tàu không số phải là đảng viên và trước khi xuất phát làm nhiệm vụ đều được làm lễ truy điệu. Bởi với họ, trước mắt là hiểm nguy, là sẵn sàng hy sinh nếu bị địch phát hiện để bảo vệ bí mật “đường mòn Hồ Chí Minh” trên biển. Trước khi ra đi, chi đoàn, chi bộ đều ra nghị quyết có nội dung: “không bỏ ăn, không bỏ ca kíp, không bỏ gác”. Đồ ăn trên tàu chủ yếu là đồ khô, đồ tươi có được con cá trê sống dai nhất nhưng rồi cũng bị sóng đánh cho trầy da, tróc vảy mà chết. Thuyền nhỏ, sóng to, gió lớn, tàu đi đường vòng nên sức người nhiều khi cũng bị “chùng”. Ông Hòa đi biển từ năm 15 tuổi nên “cứng” sóng, vì vậy, luôn giúp đỡ, chăm lo cho đồng đội.

Chuyến tàu đáng nhớ nhất của ông Hòa đó là vào tháng 4/1970. Bấy giờ, ông được lệnh cùng đồng đội chạy hơn 20 ngày vào vị trí tập kết ở Cà Mau. Tàu cập bến lúc 5h chiều nhưng không bắt được tín hiệu liên lạc, phải quay ra, quay vào và bị mắc cạn. Thuyền trưởng phải ra lệnh cho tàu lùi, cùng lúc đó thì bắt được tín hiệu. Lúc này, 2 tàu khu trục của địch đang đi tuần tra. Trên trời, máy bay trực thăng địch bắn pháo sáng. Thuyền trưởng ra lệnh thả xuồng cao su. Đang lúc anh em say sóng, ông Hòa nhanh như cắt nhảy lên giật bình khí. Sau đó, thuyền ba lá của quân dân miền Nam vây quanh tàu ngụy trang thành cả rừng đước…

Hồi ức những năm tháng trên tàu không số cứ thế ùa về trong những câu chuyện không đầu không cuối, không theo trình tự thời gian của 2 cựu binh. Gian khổ, hy sinh là thế nhưng những người trong cuộc chỉ nhắc đến những chiến công và tự hào về ý chí, trí lược, về tình đồng đội. Cả ông Diến và ông Hòa ngồi tính cho chúng tôi nghe: “1 chuyến tàu bằng 30 chuyến ô tô. Đi ô tô vào Nam mất hàng tháng trời nhưng đi tàu nếu trót lọt là 1 tháng đã trở về.

Sau năm 1973, Mỹ đã khống chế đường bộ và đường không nhưng vẫn thấy miền Nam đánh mạnh nên bọn chúng nghi ngờ. Bởi vậy, khoảng thời gian này, tàu không số hoạt động khó khăn hơn. Để vào được miền Nam, chúng ta phải đi vòng qua đảo Hải Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia,… giả làm thuyền đánh cá. Đến khu vực nước nào là kéo cờ treo biển nước ấy. Có những chuyến không cập bến được phải vòng về, lại tiếp tục xuất phát cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ”…

Trưa cưới vợ, buổi chiều lên đường

Từ những năm 1967-1975, ông Hòa cùng đồng đội ẩn mình trên những con tàu không số. Đây là giai đoạn ác liệt nhất. Ông không đếm được mình đã tham gia chở bao nhiêu chuyến vũ khí vào chiến trường miền Nam ruột thịt nhưng những ngày về thì ông đếm được trên đầu ngón tay. Tháng 2/1974, lần đầu tiên ông được về phép, gia đình bắt ông cưới vợ. Đám cưới buổi trưa thì buổi chiều ông lại mang ba lô lên đường. Về đến đơn vị, thấy ông Hòa thực hiện nghiêm quá, thủ trưởng thưởng cho 15 ngày phép. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Liên nhớ lại: “Hồi ấy, mọi người nói với tui: Mi lấy thằng nớ đi tàu không số có đi mà không có về… nhưng tui thích bộ đội. Hơn nữa, lúc ấy, tôi đang phấn đấu để kết nạp Đảng nên sống vì bộ đội cũng là nhiệm vụ”…

Ông Hòa tiếp chuyện: “Năm 1975, giải phóng vùng nào là chúng tôi chở quân vô tiếp quản vùng đấy. Sau giải phóng Sài Gòn, chúng tôi lại chở quân ra tiếp quản các đảo Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca… Hồi ấy, những hòn đảo này chỉ có bãi cát và san hô. Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi trở về đơn vị. Lúc ấy, đơn vị có hỏi về nhu cầu việc làm để tạo điều kiện nhưng vì xa gia đình quá lâu rồi nên tôi muốn trở về nhà. Sau khi sinh con, tôi mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam. Chúng tôi sinh 7 đứa con thì có đến 3 đứa bị nhiễm chất độc, trong đó 1 đứa đã mất. Đến thế hệ cháu cũng không trọn vẹn.

Vượt lên nỗi đau

Nỗi đau da cam đã đè nặng lên cuộc sống vợ chồng ông Hòa nhưng không thể xóa mờ trong ông những ký ức hào hùng về một thời lửa đạn. Đó là niềm tự hào nhưng cũng là nguồn năng lượng vô tận giúp ông vững vàng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Trong ngôi nhà cấp 4 ấm áp được xây dựng từ tình đồng chí, đồng đội -những cựu binh tàu không số, bên người bạn cùng rẽ sóng cưỡi gió vì miền Nam ruột thịt một thời, câu chuyện nỗi đau da cam cũng chỉ như một nốt lặng nhanh chóng qua đi.

Nụ cười hồn hậu và ánh mắt sáng, ông Hòa nói với chúng tôi thay cho lời tạm biệt: “Có phải mỗi mình vất vả đâu, có nhiều người còn mất mát, khổ hơn, vất vả hơn mình nhiều lần. Có những đồng đội của mình mãi mãi nằm xuống không được trở về. Mình còn được sống, được trở về, được sống trong độc lập, hòa bình đã là hạnh phúc. Và vui hơn nữa đó là còn biết được thành quả cách mạng hôm nay có một phần đóng góp công sức của mình”…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói