Ngày 25/10/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã nâng các mức lãi suất điều hành thêm 1%/năm nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là lần tăng lãi suất điều hành thứ 2 chỉ trong vòng hơn 1 tháng của NHNN Việt Nam.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Agriank Hà Tĩnh II
Theo Ngân hàng NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, mặt bằng lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tăng. So với đầu tháng 9/2022 (trước khi điều chỉnh các mức lãi suất điều hành), lãi suất cho vay VND ngắn hạn tại các chi nhánh ngân hàng đã điều chỉnh tăng từ 0,5% - 1%/năm; trung, dài hạn tăng từ 1 - 1,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn tăng từ 2-2,5%/năm; trung, dài hạn tăng từ 1 - 1,5%/năm.
Trước tình hình tăng lãi suất, doanh nghiệp, HTX, người dân trên địa bàn đã phải chịu thêm áp lực khi nhu cầu về nguồn vốn gia tăng đột biến vào thời điểm cuối năm.
Công ty CP Tư vấn và Xây dựng HD (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) chuyên thi công các công trình xây dựng. Vào thời điểm này, doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn để chi trả nhân công, vật liệu... Tuy vậy, việc các ngân hàng tăng lãi suất tiền vay đã khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Công ty CP Tư vấn và Xây dựng HD chuyên thi công các công trình trên địa bàn tỉnh.
Chị Phạm Thị Oanh - Kế toán Công ty Tư vấn và Xây dựng HD cho biết: “Khi nhận thi công công trình, chúng tôi phải bỏ 70% nguồn vốn, thậm chí có những công trình phải bỏ 100% nguồn vốn, đến thời hạn mới được thanh quyết toán. Bởi vậy, doanh nghiệp thường vay vốn ngân hàng để hoạt động. Tuy nhiên, hiện lãi suất ngân hàng tăng cao khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí. Chúng tôi đang giao dịch tại ngân hàng MB Bank Hà Tĩnh và Sacombank Hà Tĩnh với tổng dư nợ cỡ 7 tỷ đồng. Nếu như từ tháng 7/2022 về trước lãi suất khoảng trên 7%/năm thì từ tháng 8/2022 lại nay lãi suất tăng dần và đã chạm mức 9,5%/năm. Với khung lãi suất mới, doanh nghiệp bị đội thêm hàng chục triệu đồng tiền lãi mỗi tháng”.
Cũng theo chị Oanh, ngoài sức ép lãi suất cao, nhiều ngân hàng hiện đã hết room tín dụng nên doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Trong khi thời điểm cuối năm, vừa tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cũng như đảm bảo chế độ lương, thưởng cho người lao động nên doanh nghiệp đang khó khăn về nguồn. Để xoay xở trước mắt, lãnh đạo công ty phải vay mượn người thân, bạn bè để lo đủ tiền trang trải.
Lãi suất vay ngân hàng tăng, doanh nghiệp, HTX, người dân Hà Tĩnh phải chịu thêm áp lực về kinh tế.
Công ty TNHH MTV Đức Tiến (huyện Đức Thọ) chuyên phân phối sản phẩm hàng tiêu dùng, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm… cho các huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, Hương Sơn… Những tháng cuối năm là giai đoạn “nước rút” để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Bên cạnh đảm bảo hoạt động phân phối hàng hóa hằng ngày, doanh nghiệp phải chủ động nguồn tài chính để nhập lượng lớn hàng hóa về kho dự trữ, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu thị trường tết Nguyên đán sắp tới. Lãi suất cho vay của các ngân hàng cao như hiện nay là một bất lợi với doanh nghiệp này.
Bà Lê Thị Thanh Tâm - Kế toán trưởng Công ty Công ty TNHH MTV Đức Tiến cho hay: “Từ tháng 10, lượng hàng hóa nhập về tăng trên 20% so với các tháng trước. Theo đó, doanh nghiệp phải huy động tổng lực nguồn vốn, liên hệ với các ngân hàng xin vay vốn lưu động để có thể nhập lượng hàng hóa. Hiện nay, doanh nghiệp đang vay trên 20 tỷ đồng kỳ ngắn hạn để phục vụ kinh doanh. Tuy vậy, khoảng 3 tháng lại nay, lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng dần, hiện có gói vay doanh nghiệp phải chịu lãi suất 12%/năm”.
“Dù khó khăn, song, chúng tôi vẫn ý thức rằng việc tăng lãi suất lần này là một trong những động thái điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước nhằm góp phần kiểm soát lạm phát nên doanh nghiệp phải chia sẻ. Doanh nghiệp mong muốn tình hình kinh tế trên thế giới sớm ổn định nhằm đưa mặt bằng lãi suất phù hợp hơn. Hiện nay, chúng tôi đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối để có lượng hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý và nỗ lực tìm kiếm thị trường, tăng doanh thu” - bà Lê Thị Thanh Tâm cho biết thêm.
Theo ghi nhận, lãi suất ngân hàng tăng cao cũng là thách thức với nhiều HTX ở Hà Tĩnh khi tiềm lực tài chính hạn hẹp.
Nhiều HTX ở Hà Tĩnh đang phải đối mặt khó khăn khi lãi suất ngân hàng tăng cao.
HTX Nông nghiệp Gia Phúc (xã Thường Nga, Can Lộc) chuyên trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn quy mô lớn. Để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ngoài số vốn đóng góp của các thành viên, HTX phải vay mượn ngân hàng nguồn kinh phí tương đối lớn. Trước thực trạng lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng như hiện nay, người đứng đầu đơn vị cũng như các thành viên không khỏi lo lắng.
Theo ông Lê Vạn Hải - Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc, tuy có chiến lược sản xuất, kinh doanh bài bản, song hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro như: tình hình dịch bệnh, thị trường bấp bênh... Do vậy, khi lãi suất ngân hàng tăng cao sẽ gây thêm áp lực kinh tế đối với đơn vị. HTX hiện đang có các gói vay tại Ngân hàng Vietcombank Bắc Hà Tĩnh với tổng mức vay 7 tỷ đồng. Khoảng 10 ngày nữa, chúng tôi sẽ phải tất toán gói vay 2 tỷ đồng và xin vay gói mới để tiếp tục đầu tư. Các thành viên HTX đang lo lắng khi tới đây sẽ phải chịu khung lãi suất mới, đồng nghĩa tiền lãi hằng tháng sẽ bị đội lên”.
Ngoài các doanh nghiệp, HTX, người dân vay vốn ngân hàng cũng đang bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng, nhất là các hộ dân đầu tư sản xuất – kinh doanh, nhu cầu vốn lớn.
Anh Nguyễn Duy Bảy - chủ siêu thị Bảy Trang (thị trấn Nghèn) cho hay: “Tôi vừa vay gói kỳ hạn 3 tháng tại ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Can Lộc (thuộc Vietcombank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh) với lãi suất 9,12%/năm. Lãi suất vay vốn hiện cao hơn trước đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của cơ sở. Ngoài ra, thời điểm này, việc tiếp cận vốn cũng khó khăn do các ngân hàng đã hết room tín dụng. Nếu như cùng kỳ năm ngoái, chúng tôi đã cơ bản nhập hàng tết đầy đủ thì năm nay cơ sở đang cần khoảng 3 tỷ đồng nữa mới đủ mà vẫn chưa vay được”.
Siêu thị Bảy Trang chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới và diễn biến thị trường; cho thấy phản ứng chính sách chủ động, nhạy bén của NHNN Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tuy vậy, việc tăng lãi suất cho vay sẽ trực tiếp làm tăng chi phí sử dụng vốn, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ kinh tế - xã hội có liên quan đến sử dụng vốn tín dụng.
Vấn đề đặt ra hiện nay là các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cần tính toán kỹ lưỡng, chủ động cân đối tài chính và có các giải pháp kịp thời, hữu hiệu nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định về điều hành lãi suất của Thống đốc NHNN Việt Nam, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần. Đến ngày 31/10/2022, dư nợ toàn địa bàn ước đạt 88.450 tỷ đồng, tăng 23,23% so với cuối năm 2021. |