Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào chiều 11/5.
Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào chiều 11/5, mỗi lít xăng E5 RON92 tăng 1.491 đồng, RON95 tăng 1.554 đồng. Theo sự điều chỉnh mới này, giá xăng E5 RON92 tăng lên mức 28.959 đồng/lít; xăng RON95 tăng lên mức 29.988 đồng/lít.
Giá các loại dầu cũng được điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành này. Cụ thể, giá dầu diezel tăng 1.120 đồng/lít, lên mức 26.650 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít, lên mức 25.168 đồng/lít.
Tại Hà Tĩnh (thuộc danh mục vùng 2, tức là các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu) nên giá xăng dầu ở mức cao hơn. Theo đó, xăng RON95 hiện có giá 30.570 đồng/lít; xăng E5 RON92 là 29.520 đồng/lít, dầu diesel là 27.180 đồng/lít, dầu hỏa là 25.660 đồng/lít.
Người dân từng kỳ vọng giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ đưa giá xăng, dầu xuống thấp, tuy nhiên, giá mặt hàng này đã tăng liên tiếp trong 3 kỳ điều chỉnh gần đây.
Theo phân tích, giá xăng dầu trong nước được tính theo bình quân giá thế giới trong 10 ngày trước phiên điều hành. Dù 2 ngày vừa qua, giá dầu thô thế giới có giảm nhưng những ngày trước đó lại tăng mạnh khiến cho giá bình quân 10 ngày bị chênh lệch so với giá hiện tại của thế giới.
Do đó, giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng là do mức giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới trong hơn 10 ngày qua đã tăng ở mức cao. Nguyên nhân là do sau khi Liên minh châu Âu đưa ra đề nghị áp dụng lệnh cấm đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga khiến thị trường lo ngại nguồn cung bị thắt chặt và khan hiếm đã đẩy giá tăng cao.
Các doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn phương tiện phải chịu gánh nặng do giá nhiên liệu tăng cao.
Như vậy, đối với thị trường trong nước, sau khi giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu (từ ngày 1/4), đến nay giá bán lẻ mặt hàng này đã trải qua 5 kỳ điều chỉnh, trong đó 2 lần giảm và 3 lần tăng.
Điều này khiến nhiều người dân từng kỳ vọng giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ đưa giá xăng, dầu xuống thấp thì nay lại rơi vào “thất vọng” vì giá nhiên liệu đang ở mức cao kỷ lục trong vòng nhiều năm qua.
Chị Phan Thị Ngọc Minh (xã Thạch Trung - TP Hà Tĩnh) bày tỏ: “Do đặc thù công việc di chuyển nhiều và xa nên tôi bắt buộc phải sử dụng phương tiện ô tô để đi lại. Trung bình mỗi ngày, tôi di chuyển hơn 40 km nên với mức giá xăng như hiện nay thực sự là gánh nặng rất lớn. Vào đầu tháng 4, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu giảm 50%, chúng tôi đã hi vọng giá bán mặt hàng này cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, số lần giảm thì ít mà tăng thì nhiều, mức giá xăng hiện nay đã cao hơn giá trước khi giảm thuế”.
Giá xăng dầu hiện ở mức cao kỷ lục trong vòng nhiều năm qua.
Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp lĩnh vực vận tải, xây dựng, giá nhiên liệu ở mức cao kỷ lục như hiện nay là một áp lực rất lớn khi chi phí đầu vào bị “đội” lên cao.
Ông Trần Văn Sỹ - Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, hoạt động vận tải đã khởi sắc trở lại sau dịch COVID-19, lượng khách đạt khoảng 70 - 80% so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, với mức giá xăng dầu liên tục tăng và ở mức cao ngất ngưởng như hiện nay, ngành vận tải đang lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Đặc biệt, hiện nay vào mùa nắng nóng, nhiên liệu để vận hành điều hòa xe sẽ tăng thêm 1,2% so với bình thường. Với gần 70 đầu xe đang hoạt động, so với thời điểm giá nhiên liệu chỉ bằng 1/2 giá hiện nay thì mỗi tháng chúng tôi đang phải chi thêm gần 1 tỷ đồng chi phí nhiên liệu, trong khi giá vé xe chỉ tăng 10 – 15%”.
Anh Thân Văn Thảo - cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Linh (Thạch Hà) chia sẻ: “Công ty đang thi công 5 công trình trên địa bàn, sử dụng gần 10 phương tiện tiêu tốn lượng lớn nhiên liệu như: xe lu, xe tải, máy đào, xe cẩu, xe ủi... Giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao khiến chúng tôi rất lo lắng, chắc chắn chi phí sản xuất bị “đội” lên rất nhiều. Ngoài trực tiếp đẩy chi phí nhiên liệu của phương tiện, giá xăng, dầu tăng còn tác động làm tăng giá vật liệu xây dựng và giá cước vận chuyển nguyên vật liệu, gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
Với gần 70 đầu xe đang hoạt động, Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh đang hết sức khó khăn khi giá xăng dầu cao ngất ngưởng.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa, hiện nay, các nước trên thế giới đã phục hồi sản xuất, cùng đó, các nước châu Âu đang vào mùa đông nên nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cao, trong khi tình hình thế giới nhiều biến động dẫn đến nguồn cung thiếu hụt, giá tăng.
Trong nước, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tăng cường nguồn nhập khẩu; tăng công suất nhà máy lọc dầu xuất để đáp ứng thị trường và hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, dù đã có chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu để kéo giảm giá bán lẻ, nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 nhưng với mức tăng mạnh của giá dầu thô thế giới, giá xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng. Điều này gây khó khăn, bất lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn khi chi phí đầu vào tăng.
Cũng theo một số chuyên gia trong lĩnh vực thị trường và xăng dầu, việc dự báo giá xăng, dầu có giảm hơn trong kỳ điều chỉnh tới hay không thì còn phải chờ đợi ít nhất 3 - 4 ngày tới, khi có những chuyển biến rõ nét hơn về nguồn cung của thế giới.