
Đền Chân Long còn gọi là đền Hàng Tổng có ba tòa điện do vua Lê Thánh Tông cho xây dựng giữa thế kỷ XV.
Chuyện kể, ngày xưa, khi vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đích thân đem quân đi đánh Chiêm Thành, lúc đoàn thuyền đi qua cửa sông Đan Nhai bỗng nhiên sóng gió nổi lên, hiện ra 3 quả trứng trên mặt nước khiến phương tiện không vượt qua được.
Thấy vậy, nhà vua bèn cầu khấn: ”Nếu thần giúp ta dẹp yên giặc, khi hồi quân sẽ được phong thưởng”. Sau đó, gió yên sóng lặng thuyền đi như bay. Thắng trận trở về, nhớ lời thề xưa, nhà vua cho lập đền thờ ”Chân Long đại vương” phong hiệu thần ”Tam Lang”.

Đền là công trình vua tạ ơn thần, chiêu hồn người đã ngã xuống trên sa trường và cũng là nơi linh thiêng để mọi người cầu an. Hiện đền có 3 tòa điện, mỗi toà 3 gian, dựng trên mảnh đất gần bờ sông, bên cạnh có cây muỗm lớn, phần gốc rễ đến 2 vòng tay người lớn ôm không xuể. Thượng điện có 3 long ngai và 3 hòm sắc.
Đền Chân Long tổ chức lễ hội ”Lục ngoạt” 2 năm một lần vào ngày rằm tháng 6. Lễ hội được tổ chức công phu, lấy tích vua Lê Thánh Tông chống quân Chiêm Thành nên dàn trận thủy bộ với nhiều thứ quân, có 3 hòm lớn đựng quần áo và khí mạnh đủ để trang bị cho những người tham gia rước diễn.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đền Chân Long bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2012, đền được trùng tu xây dựng lại với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng do con em địa phương đóng góp. Năm 2015, đền Chân Long được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Do nhiều yếu tố khách quan, đến nay, UBND xã Xuân Hải mới tổ chức đón nhận bằng theo tâm nguyện của người dân địa phương.
Đền Chân Long là nơi giáo dục truyền thống lòng yêu nước, sự tri ân của các thế hệ với những tướng sỹ một thời đã hy sinh trong sự nghiệp chống ngoại xâm bảo vệ đất nước; đồng thời phát huy giá trị văn hóa tâm linh, là nơi linh thiêng để mọi người cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình an lạc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.