Gạo KC đặt mục tiêu thông quan EU trong tháng 9
Hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu nên ngay khi EVFTA có hiệu lực (1/8/2020), Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh đã “bắt tay” tìm hiểu các ưu đãi, điều kiện của hiệp định quan trọng này.
Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc công ty cho biết: “Nếu xuất khẩu sang EU, gạo sẽ được miễn thuế 0%, giá trị xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay”.
Nếu vượt qua được hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt của các nước châu Âu, gạo KC Hà Tĩnh xuất khẩu đạt giá trị khoảng 1.200 - 1.300 USD/tấn.
Hiện tại, gạo KC Hà Tĩnh xuất khẩu sang thị trường các nước châu Á với giá trị đạt khoảng 600 USD/tấn. Nếu xuất sang các nước châu Âu, giá trị sẽ đạt từ 1.200 - 1.300 USD/tấn. Riêng gạo hữu cơ sẽ đạt trên 2.000 USD/tấn.
Đi kèm với ưu đãi thì hàng rào kỹ thuật của các nước châu Âu cũng hết sức nghiêm ngặt. Theo đó, DN phải kiểm soát được từ khâu chọn giống, vùng sản xuất đến chế biến; trong đó, phải đề cao tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Với mỗi chuyến hàng xuất sang EU, nếu có một lô không đảm bảo các tiêu chuẩn thì cả chuyến hàng sẽ bị trả về.
Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh sản xuất gạo hữu cơ để hướng đến thị trường châu Âu.
Xây dựng thương hiệu chè quốc tế
Công ty CP Chè Hà Tĩnh cũng đang hướng đến thị trường EU với giá trị tăng gấp 2 lần so với thị trường các nước Trung Đông. Để vào EU, công ty đang xây dựng thương hiệu chè quốc tế RA.
Tiêu chuẩn này yêu cầu sản phẩm phải đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối; bảo vệ môi trường nước, đất, không khí, hệ sinh thái trong vùng sản xuất… nghiêm ngặt.
Ông Trần Công Lệ - Giám đốc công ty cho biết: “Để lấy được chứng chỉ RA, công ty phải hoàn thành 119 tiêu chí. Trong đó, có những tiêu chí rất khó như: bảo tồn hệ sinh thái vùng sản xuất; bảo tồn động vật hoang dã vùng đệm; kiểm soát rác, hóa chất dùng trên đất sản xuất chè...”.
Để lấy được chứng chỉ RA, Công ty CP Chè Hà Tĩnh phải hoàn thành 119 tiêu chí khó.
“Theo đuổi” chứng chỉ RA từ năm 2018 nhưng đến nay, Công ty CP Chè Hà Tĩnh vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Với mục tiêu nâng cao doanh thu cho DN, công ty đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí ở hơn 850 ha chè liên kết thuộc các huyện: Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn. Những tháng cuối năm, DN tiếp tục kết nối để được các tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ RA, từ đó đưa sản phẩm chè vươn ra thị trường EU.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sẽ tăng gấp 2 lần so với thị trường các nước Trung Đông
EVFTA - cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu
Theo Phòng Quản lý xuất nhập khẩu - Sở Công thương, hiện tại, trên địa bàn Hà Tĩnh có hơn 100 DN tham gia hoạt động xuất khẩu, trong đó có khoảng 15 DN sản xuất, chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với EU, Hà Tĩnh hiện chưa có DN xuất khẩu sang thị trường này.
Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh hiện đang thực hiện sản xuất chế biến sâu sản phẩm gạo để xuất khẩu.
Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh thông tin: "EVFTA được đánh giá là cơ hội lớn cho DN xuất khẩu nói chung và DN xuất khẩu nông sản nói riêng. Vì vậy, chúng tôi đang nỗ lực tuyên truyền về hiệp định để DN nắm bắt và tận dụng. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, ngành luôn tích cực đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn để mở rộng phát triển.