Chiều 22/12, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chương trình được trực tuyến tới các điểm cầu tại 13 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập cùng chủ trì hội nghị. |
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.
Qua 20 năm (2000-2020) thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐK XDĐSVH) được triển khai với 5 nội dung và 7 phong trào, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng lớn, tạo nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Từ năm 2010 đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, huy động được nguồn lực lớn của toàn Đảng, toàn dân, gắn kết chặt chẽ với phong trào TDĐK XDĐSVH đã tạo nên sự thay đổi căn bản diện mạo các thôn, xóm, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; củng cố hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy kinh tế - xã hội Hà Tĩnh phát triển toàn diện, vững chắc.
Các đại biểu tham dự ở 13 điểm cầu địa phương
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 1.952/1.965 thôn, tổ dân phố xây dựng thành công hương ước mới, được thẩm định phê duyệt và áp dụng, đạt 99,3%. Từ đó, việc cưới hỏi, tang tế, lễ hội... đã cơ bản được Nhân dân thực hiện đảm bảo văn minh và tiết kiệm.
Toàn tỉnh đã sửa chữa và làm mới 11.158 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách với tổng trị giá 388,217 tỷ đồng. Hiện nay, trên 99% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ gia đình có công trình vệ sinh đảm bảo đạt trên 90%, duy trì hoạt động của gần 2.000 mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, 1.953 tổ tự quản môi trường. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2020 là 3,51% (giảm 7,89% so với năm 2016).
Các đại biểu theo dõi phóng sự tổng kết 20 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Toàn tỉnh hiện có 1.800 di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng được kiểm kê; xếp hạng được 509 di tích cấp tỉnh, 86 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Năm 2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay đã có 157 câu lạc bộ ở các địa phương được thành lập và hoạt động hiệu quả.
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 200/216 hội trường đa năng cấp xã đạt chuẩn (đạt 92,5%), 189/216 khu thể thao cấp xã đạt chuẩn (đạt 87,5%); 1.856/1.965 nhà văn hóa thôn (đạt 94,4%) và 1.686/1.965 khu thể thao thôn đạt chuẩn (đạt 85,8%).
Toàn tỉnh có 1.914/1.965 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn khu dân cư văn hóa (đạt 97,4); 15/34 phường đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 44%); 903/1.579 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 57,1%); có 317.235/337.980 gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 93,8%).
Ông Hoàng Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: "Sức mạnh tổng hợp từ khối đại đoàn kết toàn dân đã góp phần thực hiện thắng lợi phong trào TDĐK XDĐSVH.
Phong trào toàn dân tập luyện thể thao phát triển mạnh mẽ: toàn tỉnh có 34,3% dân số tập luyện thường xuyên, 24,2% gia đình thể thao, 894 CLB thể thao. Hằng năm, thể thao thành tích cao tích cực tham gia và giành được nhiều thành tích tốt tại các giải đấu quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 86,2% gia đình học tập, 86,2% dòng họ học tập, 96,2% đơn vị học tập, 93,5% cộng đồng học tập, 87% cộng đồng học tập cấp xã.
Ông Phan Thanh Là, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện trình bày tham luận: “Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại huyện Nghi Xuân”.
Mỗi năm có hàng nghìn người tốt việc tốt được biểu dương từ cơ sở. Nhiều tập thể và cá nhân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu, huân, huy chương cao quý, thực sự nêu gương sáng cho mọi người học tập, noi theo.
Phát huy những thành công đã đạt được, thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục phát triển phong trào TDĐK XDĐSVH bền vững, có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực. Gắn thực hiện phong trào với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đô thị văn minh, góp phần xây dựng tỉnh NTM vào năm 2025.
Bà Hà Thị Lê Na - Phó trưởng ban Tuyên giáo, Liên đoàn Lao động tỉnh trình bày tham luận: “Công tác phối hợp chỉ đạo xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân, người lao động”.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có: 95% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; trên 98% khu dân cư (thôn, bản, tổ dân phố) được công nhận khu dân cư văn hóa; 28% gia đình thể thao, 37% người thường xuyên luyện tập thể thao; 70% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 80% xã đạt chuẩn văn hóa NTM; 70% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; 100% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa đồng bộ; 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa - khu thể thao, trong đó 95% đạt chuẩn; 100% thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao, trong đó 95% đạt chuẩn.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trình bày tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực hiện thành công phong trào TDĐK XDĐSVH tại cơ sở, đồng thời đề xuất những giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của các tập thể, cá nhân trong phong trào TDĐKX DĐSVH.
Để tiếp tục thực hiện tốt phong trào trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành cần quan tâm, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nghị quyết đại hội Đảng các cấp và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nắm rõ định hướng, mục tiêu, quan điểm, giải pháp trong việc triển khai phong trào TDĐK XDĐSVH, trong đó xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, thành viên ban chỉ đạo trong triển khai thực hiện phong trào nhằm xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa công sở, văn hoá doanh nghiệp, văn hoá học đường, văn hoá giao thông, nếp sống văn minh nơi công cộng.
Việc xây dựng công nhận các danh hiệu văn hóa cần phải bám sát các tiêu chí, đảm bảo tính thực chất, bền vững, không chạy theo thành tích, số lượng, tăng cường nhân rộng các mô hình, điển hình. Có các biện pháp, giải pháp tích cực nhằm tăng cường xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực trong phát triển văn hóa.
Dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 34 tập thể, 12 cá nhân và 18 gia đình điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong phong trào TDĐK XDĐSVH trong thời gian qua.
Trao bằng khen UBND tỉnh cho các điển hình trong phong trào TDĐK XDĐSVH tại điểm cầu huyện Lộc Hà.
... và tại điểm cầu huyện Nghi Xuân...