Xây dựng con người mới Hà Tĩnh yêu nước và nhân văn
Là miền đất có trầm tích văn hóa nghìn đời, người Hà Tĩnh nổi tiếng là yêu nước, dám xả thân vì nghĩa lớn, hiếu học, nghĩa tình, đoàn kết, nhân nghĩa và thủy chung, tâm hồn lạc quan, trong sáng…
Tất cả những phẩm chất truyền thống ấy tiếp tục được nhân lên từ 5 nội dung và 7 phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần tạo ra những hệ giá trị mới, đưa đất nước, quê hương ngày càng đổi mới và giàu đẹp.
Cùng với ca trù, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là “viên ngọc quý” lưu giữ đời sống, văn hóa, ngôn ngữ... đặc trưng của con người Nghệ Tĩnh nói chung và vùng đất núi Hồng, sông La nói riêng qua các thời kỳ hình thành và phát triển.
Các nội dung và phong trào đều hướng tới mục tiêu xây dựng, bồi đắp những tố chất của con người Hà Tĩnh trong thời kỳ mới. Để đạt được mục tiêu ấy, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh… được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm.
Đặc biệt, năm 2016, Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ra đời đã tác động sâu sắc đến đời sống các tầng lớp nhân dân, tạo ra một phong trào thi đua rộng lớn, sôi nổi. Từ thôn xóm, tổ dân phố (TDP), xã, phường, cơ quan, đơn vị đều lấy việc học và làm theo Bác bằng những hành động cụ thể, tạo chuyển biến về tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Hồng Quân (bên trái) - là một trong 2 cá nhân điển hình của huyện Kỳ Anh được vinh danh về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW giai đoạn 2016 - 2021.
Phong trào “Người tốt - việc tốt”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng làng, thôn, bản, TDP văn hóa”, “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”, “Phong trào khuyến học, khuyến tài”… đã tạo cơ hội, điều kiện để những hạt mầm văn hóa trong mỗi con người, mỗi gia đình được nảy nở, phát triển, trở thành điển hình lan tỏa trong cộng đồng.
Học tập và làm theo Bác - các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh luôn sát cánh hỗ trợ người nghèo. Ảnh: Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 15, thị trấn Cẩm Xuyên mổ lợn tiết kiệm tặng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học cho chị Bùi Thị Liên, hộ nghèo đơn thân, tháng 3/2020.
Mỗi năm có hàng nghìn người tốt -việc tốt được biểu dương từ cơ sở. Nhiều tập thể và cá nhân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, huân, huy chương cao quý, thực sự nêu gương sáng cho mọi người học tập, noi theo. Nhiều tấm gương người tốt - việc tốt như giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, dũng cảm cứu người gặp nạn, hiến đất, hiến cây, đóng góp ủng hộ tiền của xây dựng các công trình công cộng, tạo việc làm cho người lao động... đã truyền cảm hứng cho cộng đồng, góp phần bồi đắp những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc.
Gia đình anh Phan Văn Tùng và chị Nguyễn Thị Gái, tổ dân phố 1, thị trấn Đức Thọ được UBND huyện Đức Thọ tặng giấy khen và UBND tỉnh vinh danh gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập” tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2015-2020.
Sau 20 năm thực hiện, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Hà Tĩnh đã trở thành phong trào sâu rộng, có ý nghĩa chính trị, xã hội hết sức sâu sắc. Nếu như năm 2001, toàn tỉnh có 154.654 gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 52% thì đến năm 2020 có 340.584/374.517 gia đình văn hóa, đạt 90,9%. Các “tế bào xã hội” lành mạnh, tốt đẹp đã góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc.
Môi trường văn hóa lành mạnh, kỷ cương
Con người văn hóa, gia đình văn hóa phải nằm trong tổng thể môi trường văn hóa, nếp sống văn minh, kỷ cương, từ đó hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, cùng với việc tiếp nối truyền thống văn hóa của cha ông nghìn đời nay, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh suốt 2 thập kỷ qua đã luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, lối sống kỷ cương, thượng tôn pháp luật.
Người dân Hà Tĩnh đón ngày hội đại đoàn kết năm 2021 trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt nhưng vẫn ấm áp nghĩa tình (Trong ảnh: Người dân thôn Đông Thắng - xã Mai Phụ - Lộc Hà treo cờ Tổ quốc chào mừng ngày hội).
Hằng năm, 100% khu dân cư trong tỉnh tổ chức ngày hội Đại đoàn kết dân tộc, trên 90% khu dân cư tổ chức bữa cơm đại đoàn kết, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống quê hương, gắn kết tình làng nghĩa xóm; nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội nhiều biến chuyển. Quy chế dân chủ cơ sở phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 216 ban giám sát đầu tư cộng đồng, có 1.977 tổ hòa giải hoạt động có hiệu quả, hạn chế nảy sinh nhiều vụ việc vi phạm pháp luật ở cộng đồng dân
Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thôn, TDP được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đến nay đã có tổng số 1.817/1.977 thôn, TDP đã được thẩm định, phê duyệt theo Quyết định 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt 92%.
Người dân phấn khởi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí trong nhà văn hóa cộng đồng thôn Nam Viên (xã Xuân Viên, Nghi Xuân).
Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tạo được sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các phong trào “5 không 3 sạch”, “Thắp sáng đường quê” và “Bảo vệ dòng sông quê hương”, trồng cây xanh, hàng rào xanh, đường hoa… lan tỏa rộng khắp. Trên 99% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, gần 2.000 mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Đường làng, ngõ phố ngày càng sạch đẹp, văn minh.
Hệ thống di tích, di sản được quan tâm, đầu tư tôn tạo và phát huy được vai trò giáo dục truyền thống. Hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh. 100% xã, phường, thị trấn có đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên hoạt động. Hàng trăm câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở các địa phương và trường học ra đời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tạo môi trường văn hóa vui tươi, lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân.
Nhà văn hóa cộng đồng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân (Nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ tại thôn Phan Chu Trinh (xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên).
Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở được đầu tư khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, thể thao của Nhân dân. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 190/216 hội trường đa năng cấp xã đạt chuẩn (87,9%), 183/216 khu thể thao cấp xã đạt chuẩn (84,7%); 1.822/1.982 nhà văn hóa thôn (91,9%), 1.670/1.982 (68,3%) khu thể thao thôn đạt chuẩn. Trong 20 năm qua, ngân sách nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và các hoạt động văn nghệ, thể thao. Hằng năm, có tới hàng trăm tỷ đồng của các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Can Lộc… là những địa phương tiêu biểu.
Nông thôn mới, đô thị văn minh, cơ quan, đơn vị văn hóa
Từ năm 2016, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đổi thành “Toàn dân xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Đây là một phong trào lớn mang lại những hiệu quả và giá trị không chỉ cho 20 năm mà lâu dài. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 678 khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn, 7.244 vườn mẫu đạt chuẩn; 171 xã đạt chuẩn NTM, 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 14/33 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 42,4%) theo Thông tư 02/2013 của Bộ VH-TT&DL. Hà Tĩnh trở thành điểm sáng NTM của cả nước.
Nam Hà trở thành địa phương đầu tiên ở TP Hà Tĩnh được công nhận phường đạt chuẩn văn minh đô thị kiểu mẫu. Một góc phường Nam Hà. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hòa quyện với phong trào xây dựng NTM - đô thị văn minh đã tạo nên sự thay đổi căn bản diện mạo các thôn, bản, TDP, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, củng cố hệ thống chính trị, nhân lên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy KT-XH Hà Tĩnh phát triển toàn diện, vững chắc.
Khu dân cư kiểu mẫu thôn Châu Nội, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) luôn được người dân củng cố, nâng cấp tiêu chí. Ảnh tư liệu
Phong trào xây dựng thôn, bản, TDP văn hóa phát triển về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng, trở thành phong trào cốt lõi, sôi nổi và rộng khắp. Nếu năm 2006, toàn tỉnh có 595 làng, khối phố văn hóa thì đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 1.869/1.977 thôn, TDP văn hóa. Hầu hết các thôn đều có đội văn nghệ, thể thao; đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp; các thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng được nâng cấp.
Nhiều thôn, TDP văn hóa đã trở thành điểm sáng, những vùng quê đáng sống, tiêu biểu như các thôn: Yên Mỹ (xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên); Nam Trà (xã Hương Trà, Hương Khê); Mỹ Lộc, Gia Phú (xã Xuân Viên), Hương Mỹ (xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân); Châu Trinh (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ); Yên Thịnh (xã Sơn Châu, Hương Sơn); thôn 4 (xã Ân Phú, Vũ Quang)...
BHXH tỉnh là một trong số những đơn vị đi đầu trong xây dựng văn hóa công sở.
Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 811/1.414 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỉ lệ 57,3%.
Qua 20 năm thực hiện phong trào, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiết thực, từng bước đi vào chiều sâu, trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng lớn, tạo nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, gìn giữ các giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời, tạo ra những giá trị văn hóa mới.