Sẵn mang trong mình dòng máu yêu nước của quê hương Hà Tĩnh, đồng chí Trần Phú sớm chọn con đường hiến thân cho lý tưởng cao đẹp là chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Trần Phú sôi nổi tham gia vào thực tiễn cách mạng, vào các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân. Và từ trong phong trào đó, Trần Phú trở thành thành viên sáng lập tổ chức cách mạng có tên Hội Phục Việt (tháng 7/1925), tiền thân của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn sau này.
Tuy nhiên, hoạt động trong phong trào của Hội Phục Việt, Trần Phú sớm dự cảm được sự thiếu đột phá trong phát triển của hội. Do đó, khi được tiếp cận với các tài liệu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, Trần Phú đã bị hấp dẫn thực sự bởi luồng tư tưởng mới, một phương thức cứu nước mới.
Khi được cử sang Quảng Châu trực tiếp gặp gỡ Nguyễn Ái Quốc và được Người nhiệt tình đem hết sự hiểu biết về học thuyết chân chính cách mạng trao đổi, giảng giải, với sự thông minh, nhạy cảm của mình, Trần Phú đã có bước chuyển vượt bậc về nhận thức tư tưởng. Đồng chí nhanh chóng nắm được những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, hiểu sâu sắc rằng con đường duy nhất để cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi hoàn toàn là con đường chủ nghĩa Mác - Lênin, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp phải được đặt vào quỹ đạo của CNXH.
Chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được Trần Phú tiếp nhận một cách rất tự nhiên, là kết quả tất yếu của một trái tim yêu nước đang khát khao hướng tới sự giải phóng cho dân tộc, cho giai cấp và mang lại ấm no, hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Với sự tin tưởng tuyệt đối, Trần Phú đã quyết định gia nhập “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” và được kết nạp vào Cộng sản Đoàn - hạt nhân của Đảng Cộng sản tương lai. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú. Trần Phú từ chủ nghĩa yêu nước, đến với lý tưởng cộng sản và quyết tâm hiến dâng đời mình cho lý tưởng đã lựa chọn.
Cán bộ, nhân dân Hà Tĩnh dâng hoa trước tượng đài Tổng Bí thư Trần Phú (thành phố Hà Tĩnh). Ảnh PV
Những năm tháng sau đó, được Nguyễn Ái Quốc cử đi học tập tại Đại học Phương Đông, Trần Phú tiếp tục miệt mài nghiên cứu một cách có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối quốc tế Cộng sản. Những điều được học, được nghe, được thấy, được thực hành trên quê hương Cách mạng tháng Mười, đất nước của V.I. Lênin vĩ đại, càng làm Trần Phú thêm phấn khởi, tin tưởng vào con đường cách mạng mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khởi xướng. Đồng chí đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga - để chính thức trở thành một đảng viên của Đảng Cộng sản.
Tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã bầu Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng và tại hội nghị này, đồng chí đã thông qua Luận cương chính trị quan trọng. Luận cương khẳng định mục tiêu của cách mạng Việt Nam: “Trong lúc đầu cuộc cách mạng ở Đông Dương sẽ là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền”… sau đó “tiến lên con đường cách mạng vô sản”, “bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu tiến thẳng lên con đường XHCN”. Đặc biệt, “điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có đường lối chánh trị đúng đắn, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải trong tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin là gốc… để đạt mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản”.
Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú (xã Tùng Ảnh - Đức Thọ). Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Như vậy, với sự dìu dắt và giáo dục của Nguyễn Ái Quốc, từ một thanh niên trí thức yêu nước đơn thuần, Trần Phú đã sớm được giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin để vươn tới chân giá trị của chủ nghĩa cộng sản và trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Bản Luận cương chính trị do Trần Phú khởi thảo là sự đóng góp to lớn về lý luận cách mạng của đồng chí, thể hiện sự nỗ lực tìm tòi, vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; là kết tinh của chủ nghĩa yêu nước truyền thống và chủ nghĩa cộng sản đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, chỉ đạo cách mạng vượt qua những thử thách, từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang.
“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!” là lời nhắn nhủ cuối cùng của Tổng Bí thư Trần Phú cho mai sau. Hành động hy sinh cao cả của người cộng sản Trần Phú đã lay động triệu triệu con tim người Việt Nam yêu nước, tác động sâu sắc tới lẽ sống, niềm tin của cả dân tộc và lớp lớp các thế hệ cách mạng tiếp bước sau đồng chí, nguyện tranh đấu, hy sinh vì chân lý vĩnh hằng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, vì CNXH.
Sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước, quê hương trong những chặng đường vừa qua là minh chứng hùng hồn cho chí khí chiến đấu của đồng chí Trần Phú vẫn mãi mãi tỏa sáng.