Nói về ý tưởng làm du lịch từ làng nghề truyền thống của quê hương, ông Nguyễn Trọng Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Lộc cho biết: Đối với người dân thành thị, đặc biệt là các em nhỏ rất hào hứng với chiếc tơi. Bên cạnh đó, với vị trí cách Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và Khu du lịch sinh thái hồ Trại Tiểu 7 km, Khu lưu niệm anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng 3 km, xã Quang Lộc có nhiều điều kiện thuận lợi để làm du lịch trải nghiệm.
Du khách nhí chăm chú theo dõi chằm tơi
Từ ý tưởng ban đầu, xã đã bắt tay vào việc quảng bá hình ảnh trên internet, mạng xã hội... Đến thời điểm hiện tại, du lịch trải nghiệm khám phá nghề chằm tơi Yên Lạc đã đón những đoàn khách du lịch đầu tiên. Tham gia hình thức du lịch độc đáo này, du khách được đến tận nhà một hộ chằm tơi tiêu biểu của xóm, nghe giáo viên của trung tâm học tập cộng đồng giới thiệu về làng nghề truyền thống chằm tơi, cấu tạo chính của chiếc tơi và cách phân biệt tơi mùa nắng với tơi mùa rét.
Tiếp đó, du khách sẽ được trực tiếp thực hành từng công đoạn chằm tơi dưới sự hướng dẫn của người dân. Giữa buổi, du khách sẽ nghỉ giao lưu, thưởng thức các đặc sản dân dã như khoai lang, ngô luộc, uống nước chè xanh, xem một số phóng sự về làng tơi và tiếp tục hoàn thành chiếc tơi của mình.
Anh Nguyễn Quốc Hiệp - giáo viên Trung tâm Học tập cộng đồng xã Quang Lộc chia sẻ: “Chương trình du lịch trải nghiệm khám phá làng chằm tơi được tổ chức vào dịp cuối tuần nên rất nhiều gia đình là cán bộ, công nhân, viên chức ở thành phố đưa con đến để trải nghiệm và khám phá về làng nghề truyền thống chằm tơi. Chương trình được quảng bá chủ yếu qua kênh thông tin là mạng xã hội facebook. Hiện đã có hàng chục đoàn đăng ký tham gia, chúng tôi sẽ cố gắng rút kinh nghiệm để chương trình được hoàn chỉnh hơn, thực sự trở thành chuyến trải nghiệm đáng nhớ đối với du khách”.
Có mặt trong tour du lịch trải nghiệm khám phá làng tơi, chị Nguyễn Thùy Nga - cán bộ Sở TN&MT Hà Tĩnh hào hứng: “Đến với tour trải nghiệm khám phá làng chằm tơi Yên Lạc, các mẹ và các cháu trong đoàn cảm thấy rất thú vị và bổ ích. Các cháu vô cùng háo hức khi được tận mắt chứng kiến các ông bà chằm tơi, đặc biệt là các bạn nhỏ cùng trang lứa giúp gia đình chằm tơi”.
Với chuyến du lịch trải nghiệm, các du khách “nhí” tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Cảnh mọi người từ già đến trẻ quần tụ bên nhau, cười nói rôm rả nhưng 2 tay vẫn thoăn thoắt vót tre, bện dây, chằm... khiến các em “mắt tròn, mắt dẹt”. Quên đi mệt nhọc, vất vả, mọi người chia sẻ với du khách những câu chuyện xoay quanh chiếc áo tơi.
và trải nghiệm với những chiếc áo tơi mới
Để chằm được một chiếc tơi phải trải qua rất nhiều công đoạn và cần sự tỉ mẩn, khéo léo cũng như tính cộng đồng mới hoàn thành được sản phẩm. Lá để làm tơi là lá cọ, được tuyển chọn từ những chiếc lá lành nhất, vừa đủ độ, không quá già. Từ tờ mờ sáng, đàn ông trong làng đã cơm đùm cơm nắm lên tận mạn trên, từ Hương Khê đến Vũ Quang để “đi lá”. Lá hái xong được sấy cho khô bớt rồi phơi 2 ngày 1 đêm để nở và dai hơn. Sau khi phơi xong, trẻ nhỏ và người già ở nhà vuốt lá, dùng dây thừng cắt ra từng đoạn để làm chiêng tơi. Các cụ ông thì chẻ mây, đưa ra phơi rồi vót. Công đoạn cuối là chằm tơi. Không phức tạp, kỳ công như làm nón nhưng để chằm được một chiếc tơi cũng đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận.
Thú vị nhất của chuyến du lịch là du khách được cụ ông cao tuổi trong làng – cụ Đặng Thanh Lương (96 tuổi) chia sẻ về lịch sử nghề tơi Yên Lạc. Nghề chằm tơi ở Yên Lạc có từ cách đây khoảng 300 năm. Họ Nguyễn Đặng là họ lâu đời nhất làm tơi, đến nay cũng đã 14 đời. Cụ Lương kể, thuở bé, cụ thường theo ông nội đi chằm tơi. Thời ấy, mỗi ngày thường chằm được khoảng 4 chiếc, trước đây, tơi được may đi, may lại 2 lần. Tơi ngày xưa được dùng phổ biến hơn, nhất là vào mùa mưa, mỗi nhà phải chằm được 7 gánh lá.
Tiếp lời cụ Lương, ông Đặng Văn Quang - Tổ trưởng Tổ hợp tác chằm tơi Yên Lạc cho biết: Hiện xóm Yên Lạc có 165 hộ với 300 khẩu thì có đến 70% người biết chằm tơi, trong đó, gần 80 hộ chằm tơi thường xuyên, có 4-5 khẩu trong một gia đình cùng tham gia. Hiện nay, số người chằm tơi ngày càng ít đi, một phần vì lá trở nên khan hiếm hơn, phần nữa do tiêu thụ được ít sản phẩm hơn nên người dân phải làm những công việc khác.
Hiện Quang Lộc cũng đã hợp đồng với Công ty Du lịch Xuân Thành (Hà Nội) để bán, quảng bá sản phẩm và xây dựng chương trình du lịch “trải nghiệm khám phá làng chằm tơi”. Đây cũng là một cách vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần gìn giữ nghề truyền thống quê hương.