Dư luận khu vực và quốc tế đều dành sự quan tâm đặc biệt cho sự kiện lịch sử này, đánh dấu cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa một vị Tổng thống đương nhiệm của Mỹ với một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua (11/6) cho biết, Liên Hợp Quốc sẵn sàng đóng vai trò “kiểm chứng” trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nếu được đề nghị. Phát biểu với báo chí, Tổng thư ký Guterres nêu rõ, các cơ quan liên quan trong hệ thống của Liên Hợp Quốc đều sẵn sàng hỗ trợ tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên “theo mọi cách có thể” nếu nhận được yêu cầu, bao gồm cả việc xác minh hoạt động phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres. Ảnh: UN. |
Theo Tổng thư ký Guterres: “Hai nhà lãnh đạo đều đang cho thấy quyết tâm thoát khỏi vòng xoáy nguy hiểm từng gây lo ngại cộng đồng thế giới hồi năm ngoái. Việc phi hạt nhân hóa hòa bình và có thể kiểm chứng cần phải là một mục tiêu rõ ràng và có sự chia sẻ. Như tôi đã từng viết cho cả hai nhà lãnh đạo hồi tháng trước, con đường phía trước sẽ cần sự hợp tác, thỏa hiệp và một lý tưởng chung. Các cơ quan liên quan trong hệ thống của Liên hợp quốc đều sẵn sàng hỗ trợ tiến trình này theo mọi cách có thể nếu nhận được yêu cầu.”.
Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng, một cuộc gặp thành công giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không những đóng góp vào việc cải thiện mối quan hệ giữa Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên, mà còn sẽ mang lại lợi ích lớn cho khu vực Đông Nam Á. Theo ông, bất cứ cơ hội gặp gỡ nào cũng tốt hơn việc đối đầu.
Hiện đa phần các ý kiến đều tỏ ra “lạc quan thận trọng” khi đề cập tới kết quả cuộc gặp này. Theo ông Joseph De Trani, một cựu chuyên gia đàm phán dưới thời cựu Tổng thống George Bush, chỉ sau khi việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược hoàn thành và chỉ khi Triều Tiên nhận được những đảm bảo vệ an ninh, sự hỗ trợ về kinh tế và thiết lập được các mối quan hệ có thể dẫn tới việc chính thức bình thường hóa quan hệ, thì mới có thể xem là đã hoàn thành việc giải quyết hòa bình hồ sơ này.
Ngày 12/6 tại Singapore, diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ và một Nhà lãnh đạo của Triều Tiên. Ảnh: CNN |
Vậy Mỹ sẽ đưa ra đề xuất trao đổi gì mà không làm suy yếu cơ chế trừng phạt? Trước cuộc gặp, báo chí Mỹ đã đề cập tới “một sự công nhận ngoại giao”, mà không biết rõ liệu đây có phải là điều mà Triều Tiên đang tìm kiếm ở giai đoạn hiện nay hay không. Hiện cả Mỹ và Triều Tiên đều khá kín tiếng trong vấn đề này, song phát biểu mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho thấy, chắc chắn vào thời điểm hiện nay Mỹ sẽ không giảm bớt sức ép với Triều Tiên.
Ông Mike Pompeo cho biết: “Các lệnh trừng phạt sẽ vẫn được duy trì cho tới khi Triều Tiên xóa bỏ hoàn toàn và có thể kiểm chứng chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nếu ngoại giao không đi đúng hướng, những biện pháp này sẽ tiếp tục tăng lên. Tổng thống Donald Trump công nhận mong muốn của Nhà lãnh đạo Triều Tiên đối với an ninh và sẵn sàng đảm bảo rằng một Triều Tiên không có vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng là một Triều Tiên an toàn.”.
Trong bài viết đăng trên trang mạng Wendy Sherman, một trong những nhà đàm phán chính của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng, thông qua việc rút khỏi văn kiện này, Tổng thống Donald Trump đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên, đó là một cơ chế thanh sát mà ông cho là không đủ đối với Iran, dù đây là những biện pháp nghiêm ngặt nhất lịch sử trong cuộc chiến chống phổ biến vũ khí hạt nhân hay là tham vọng cấm Iran phát triển không chỉ chương trình hạt nhân quân sự, mà cả dân sự, cũng như cấm các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Theo các nhà phân tích, nếu Tổng thống Donald Trump không yêu cầu những điều này đối với Triều Tiên, thì có thể nói ông ấy đã thất bại trong việc duy trì các tiêu chí của riêng mình.
Đối với Tổng thống Donald Trump, thách thức là rất lớn. Đó là ghi dấu ấn trong lịch sử với một thành công mà chưa có bất kỳ người tiền nhiệm nào làm được. Một tiến trình phi hạt nhân hóa thành công cũng cho phép ông giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực.
Từ khi còn là ứng cử viên cho đến khi đã trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông Donald Trump ngừng chỉ trích những việc triển khai quân này, mà theo ông đã làm nước Mỹ xa rời các ưu tiên trong nước của mình. Dù khá thận trọng khi đề cập tới kết quả cuộc gặp lịch sử tại Singapore này, cũng như bác bỏ mọi khả năng về một “sự thành công nhanh chóng”, song hầu hết giới chính trị, chuyên gia hay truyền thông đều tới nay đều khẳng định tin tưởng vào quyết tâm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.