Dư nợ của các ngân hàng ở Hà Tĩnh được cải thiện nhưng vẫn thấp

(Baohatinh.vn) - Đến cuối tháng 5, tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng Hà Tĩnh tăng 3,42% so với cuối năm 2023. Các thành phần kinh tế đã hấp thụ tốt hơn nguồn vốn song vẫn thấp.

Quý I/2024, tình hình tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn gặp khó khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hạn chế. Dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) ở tình trạng cầm chừng, thậm chí không ít “nhà băng” bị sụt giảm dư nợ.

Bước sang quý II, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã “tăng tốc” sản xuất – kinh doanh, tạo dư địa để các ngân hàng phát triển tín dụng, đưa vốn ra nền kinh tế. Tín dụng tiêu dùng ghi nhận nhiều chuyển biến khi thị trường bất động sản có dấu hiệu “ấm lên”, nhu cầu vay vốn đầu tư của người dân tăng so với trước.

Tính đến 29/5/2024, dư nợ của Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đạt 15.150 tỷ đồng, tăng 9,68% so với đầu năm.

Tại Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II, nhờ sự chủ động, linh hoạt và quyết liệt triển khai các giải pháp nên tín dụng có sự tăng trưởng khá. Đến 29/5/2024, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 15.150 tỷ đồng, tăng 9,68% so với thời điểm đầu năm.

Theo ông Võ Minh Mạnh – Phó Giám đốc, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đã áp dụng nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, ngân hàng dành hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất thấp cho cả các kỳ hạn vay ngắn, trung và dài hạn hỗ trợ khách hàng sản xuất, kinh doanh tại nhiều lĩnh vực; 10.000 tỷ đồng vốn ưu đãi triển khai chương trình cho vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu đời sống đối với khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối đa 2,5%/năm so với sàn lãi suất cùng loại. Ngoài ra, Agribank dành 15.000 tỷ đồng tài trợ các dự án đầu tư thuộc 6 ngành trọng điểm và dự án thuộc lĩnh vực xanh dành cho các khoản vay trung và dài hạn với lãi suất cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 6,0%/năm…

Để tăng trưởng tín dụng, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II còn phát huy mạng lưới cho vay qua tổ, điều hành lãi suất cho vay linh hoạt. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng như: cho vay theo Nghị định 55/205/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp – nông thôn; cho vay theo Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh; cho vay xây dựng NTM…

BIDV Hà Tĩnh chủ động áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi để hỗ trợ thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Quý II/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng của BIDV Hà Tĩnh cũng được cải thiện. Tổng dư nợ của chi nhánh hiện đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng trên 10% so với đầu năm.

Ông Trần Trọng Đức - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân II (BIDV Hà Tĩnh) cho hay: "BIDV đã chủ động áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi để đồng hành, hỗ trợ thúc đẩy phát triển nền kinh tế; ưu tiên nguồn vốn giá rẻ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất kinh doanh; đặc biệt, ưu tiên nguồn vốn cho các “doanh nghiệp xanh” sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững, ưu tiên vốn đầu tư cho các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP".

Hiện tại, đối với tín dụng ngắn hạn dành cho cá nhân vay tiêu dùng, BIDV áp dụng khung lãi suất cho vay chỉ từ 6,2%/năm trở lên; lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh chỉ từ 4,1%/năm trở lên...

Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, từ ngày 24/4/2024, Sacombank Hà Tĩnh triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng từ hệ thống cho vay mua nhà với mức lãi suất ưu đãi, cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, Sacombank cũng đang triển khai gói vay ưu đãi cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua ô tô với lãi suất chỉ từ 8,5%/năm, áp dụng đến hết 30/6/2024.

Ông Nguyễn Văn Chính – Giám đốc Sacombank Hà Tĩnh cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn song nhờ chủ động nắm bắt diễn biến thị trường, nhận định tình hình để linh hoạt triển khai các giải pháp phát triển tín dụng nên dư nợ của chi nhánh đã có sự tăng trưởng khá. Tổng dư nợ của chi nhánh hiện đạt 1.700 tỷ đồng, tăng trên 8% so với đầu năm”.

Công ty CP Dược Hà Tĩnh được các ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Ông Lê Quốc Khánh – Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh chia sẻ: “Quý II/2024, doanh nghiệp "tăng tốc" sản xuất – kinh doanh với việc duy trì ổn định các sản phẩm truyền thống và đẩy mạnh nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài mở rộng thị phần nội địa, công ty tiếp tục gia tăng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng... tại các thị trường xuất khẩu. Từ đầu năm lại nay, doanh nghiệp cũng chi hơn 20 tỷ đồng đầu tư công nghệ, máy móc với mục tiêu tự động hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động nên nhu cầu vay vốn đầu tư tại các ngân hàng gia tăng. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đang tạo điều kiện, áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi và ổn định nên doanh nghiệp thuận lợi triển khai kế hoạch đề ra”.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Tính đến cuối tháng 5/2024, tổng dư nợ của ngành ngân hàng Hà Tĩnh đạt khoảng 99.340 tỷ đồng, tăng khoảng 3,42% so với cuối năm 2023.

Dù đang có chiều hướng tăng song tốc độ tăng trưởng tín dụng tại Hà Tĩnh vẫn khá chậm, hoạt động của doanh nghiệp, hộ sản xuất và nhu cầu đời sống của người dân vẫn chưa thực sự trở lại so với trước đây.

Chị Nguyễn Thị Hà (huyện Lộc Hà) cho biết: "Nhìn chung, mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thời điểm này khá hợp lý. Tôi đang nghiên cứu để mua thêm 1 chiếc xe ô tô, tiện cho việc kinh doanh của mình nhưng vẫn đắn đo vì nếu số tiền vay chiếm khoảng 70 - 80% giá trị xe thì chưa chắc tình hình làm ăn đã thuận lợi để đủ chi trả".

Các chuyên gia dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay quý II/2024 và năm 2024 tiếp tục ở mức thấp và thay đổi không đáng kể so với kỳ trước. Các “nhà băng” kỳ vọng, tín dụng sẽ tiếp tục cải thiện rõ nét ở những tháng tiếp theo khi mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ổn định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói