Hạnh phúc gia đình sẽ bền lâu hơn nếu mọi quyết định đều thông qua ý kiến bàn bạc giữa 2 vợ chồng. Ảnh minh hoạ từ Internet
Mặc dù đã trở thành vợ chính thức của anh Quân 2 năm nay nhưng chị Hạ luôn có cảm giác mình là người ngoài trong cuộc sống của anh dù chị rất mực yêu thương đứa con riêng của anh và lo lắng chu toàn cho gia đình. Thời gian đầu, khi thấy anh quyết định một số việc mà không hề hỏi ý kiến mình, chị cũng tỏ ra thông cảm, chắc là anh chưa quen với việc có vợ mới. Tuy nhiên, đến bây giờ khi chị đã làm vợ anh được 2 năm, đã có với anh một đứa con, anh vẫn luôn tự quyết định mọi việc mà không hỏi ý kiến của chị.
Thực tế đó khiến chị rất khổ tâm nhưng vẫn cố nín nhịn cho gia đình êm ấm nhưng đến khi anh quyết định mua đất, khởi công xây nhà rồi mới nói thì chị Hạ không thể chịu đựng được nữa. Như bờ tức nước, chị mới nổi đóa làm om sòm lên. Chị cho rằng, anh Quân không tôn trọng vợ, coi vợ là người ngoài rồi nhất quyết đòi ly hôn. Anh Quân lúc này mới tá hỏa giải thích rằng vì anh thấy mọi chuyện không quá quan trọng, muốn chị không phải lo lắng mà yên tâm chăm lo cho con cái… Nghe chồng giải thích, nỗi ấm ức của chị cũng được giải tỏa phần nào nhưng cảm giác là người ngoài trong cuộc sống của chồng vẫn không thể nào một sớm một chiều mất đi được. Tuy nhiên, cũng từ lần đó, anh Quân đã thay đổi hẳn, bất kỳ việc lớn, việc nhỏ gì anh cũng hỏi ý kiến chị rồi mới quyết định.
Sự chia sẻ là điều vô cùng cần thiết trong cuộc sống gia đình. Ảnh minh họa từ Internet
Cũng trong hoàn cảnh đứng ngoài cuộc sống của chồng nhưng chị Hạnh lại ấm ức hơn chị Hạ bởi bên cạnh chồng chị còn có đồng minh là mẹ chồng. Sau khi cưới, vợ chồng chị Hạnh dọn về ở với mẹ chồng. Ngay từ đầu, chị đã khá khó chịu khi chồng chị quyết định, kinh tế trong gia đình tập trung cho mẹ quản lý. Ngoại trừ lương của chị dùng để trang trải sinh hoạt phí, còn lại các khoản thu nhập của chồng đều do mẹ chồng quản lý.
Tuy nhiên, những khó chịu về điều đó cũng không lớn bằng nỗi ấm ức là người đứng ngoài khi mọi quyết định trong gia đình đều chỉ do mẹ chồng và chồng quyết định. Chị Hạnh luôn là người biết cuối cùng trong tình trạng “được thông báo”. Đem điều này chia sẻ với các bạn đồng nghiệp, tất cả mọi người đều ngạc nhiên và cho rằng, chị đã bị “cho ra rìa”. Chị Hạnh cũng đã nhiều lần nói chuyện với chồng về điều này nhưng đều bị anh gạt đi và cho rằng chị nhỏ nhen, ích kỷ.
Hạnh phúc gia đình cần được xây dựng trên mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Ảnh minh hoạ từ Internet
Nỗi ấm ức vì thế ngày càng lớn và trở thành mâu thuẫn khó giải quyết. Chị Hạnh luôn có cảm giác xa lạ với mẹ chồng và chồng. Những cuộc cãi vã giữa vợ chồng chị ngày càng nhiều và không tìm được cách giải quyết. Cuối cùng chị Hạnh lựa chọn giải pháp ly hôn. Chị cho rằng, vợ chồng phải là một và cần tôn trọng lẫn nhau. Mình hoàn toàn độc lập về kinh tế và không cần phải ép mình phải chịu đựng trong một mối quan hệ mà mình không được tôn trọng.
Cha ông ta từng nói “Thuận vợ thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn”. Hạnh phúc gia đình không thể xây dựng trên nền tảng một mối quan hệ thiếu bình đẳng, thiếu tôn trọng lẫn nhau.