Bến sông quê với luỹ tre, con đò và chiếc cầu tre lắt lẻo đã trở thành ký ức đẹp đẽ đối với những người lớn lên từ làng... Ảnh Khánh Thành
Từ sau thuở Thánh Gióng nhổ tre đi đánh giặc, tre luôn đồng hành cùng người Việt trong nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, lũy tre xanh đã trở thành “pháo đài xanh” vững chắc chống quân xâm lược, chống thiên tai. Tre trở thành chiến lũy và là nguồn vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn công trong các cuộc chiến. Sau này, trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, tre lại là chông, là mác, là dụng cụ để làm hầm trú ẩn, làm cáng và nhiều dụng cụ sinh hoạt trong các chiến lũy, địa đạo…
Trong từng chặng đường lịch sử của dân tộc, tre là bạn đồng hành thủy chung, son sắt. Từ xa xưa, những làng xã thường được định hình trong những lũy tre xanh, tạo nên một đặc trưng văn hóa riêng của làng quê Việt. Tre đã chở che, ôm ấp, trở thành người bạn đồng hành cùng con người vượt bao gian khó để viết nên những trang sử hào hùng.
Từ xa xưa, làng xã thường được định hình trong những dòng sông, bến đá, lũy tre xanh, tạo nên một đặc trưng văn hóa riêng của làng quê Việt. Ảnh: Hùng Nguyễn
Bất kỳ lúc nào nghĩ về cây tre, trong lòng tôi cũng thánh thót câu hát: “Làng tôi xanh bóng tre…” của Văn Cao và lại bắt đầu nỗi nhớ làng quê của mình. Có lẽ, đứa trẻ nào sinh ra ở làng quê cũng đều gắn bó với lũy tre xanh và đều dành cho cây tre những tình cảm tha thiết nhất.
Giống như rất nhiều làng quê khác, quê tôi cũng được bao bọc, bảo vệ bởi những lũy tre cong cong, mềm mại nhưng vô cùng mạnh mẽ và bền bỉ. Bởi thế, dù ra Bắc hay vào Nam, dù ngược miền núi rừng hay xuôi miền biển cả, cứ chạm mắt vào cái dáng hình cong cong của một lũy tre xanh, tôi lại nhớ làng mình thao thiết. Tôi nhớ con ngõ đất mọc đầy rêu lác đác lá tre, nhớ tiếng hàng tre kẽo kẹt, nhớ dáng cha tôi lặng lẽ ngồi vót tre để đan những vật dụng trong gia đình, nhớ dáng mẹ đổ dài cùng đôi quang gánh nặng trĩu mùa màng…
Bóng tre làng thân thương luôn hiển hiện trong mọi sinh hoạt của người thôn quê. Ảnh: Ánh Dương
Tre có mặt trên khắp các miền quê Việt Nam. Từ xa xưa, con người đã sống gần gũi cùng cây tre. Trong tâm thức Việt, cây tre được coi là một biểu tượng tính cách của con người, của đất nước. Hẳn rằng, với người Việt, tre không chỉ là một loại thực vật nữa mà tre là một giá trị văn hóa. Những giá trị từ tre vừa tạo nên văn hóa vật thể lẫn phi vật thể. Trong kiến trúc, tre làm cột làm kèo, làm phên, liếp, là giường, là chõng, là cái nôi êm, là bàn ghế, tủ, chạn… Trong lao động và đời sống, tre là đòn gánh, là cần câu, cán cuốc, là nong nia, dần sàng, thúng mủng, rổ rá...
Đặc biệt, tre trúc còn trở thành nhạc cụ như tiêu, khèn, đàn tơ rưng… Là những tác phẩm của nghệ thuật lũa độc đáo. Tre có lúc là cột cờ, là cây nêu chuyên chở những giá trị văn hóa ngày tết… Có khi là những đồ chơi khiến trẻ thơ thích thú như: Chài, súng phóc, cây khăng, đèn ông sao, đèn kéo quân… Trúc là nơi cất giấu tiếng sáo diều vi vu…
Tre bao quanh ngõ quê, che bóng mát những trưa nắng... Ảnh Khánh Thành
Ngày nay, tre còn được sử dụng làm nguyên liệu cho hàng thủ công mỹ nghệ của nghề đan, trở thành vật liệu xây dựng trong những công trình kiến trúc độc đáo. Những thân tre tưởng chừng như vô tri vô giác, qua bàn tay và khối óc của con người bỗng trở nên có hồn cốt và trong những lần đi ra thế giới, tất cả những sản phẩm đó đều được yêu thích và được trao những giải thưởng uy tín.
Gần gũi là thế, thân thương là thế, nhưng ngày nay, ở nhiều làng quê, công cuộc xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những ưu việt vẫn còn những tác động tới cảnh quan chung. Những lũy tre xanh dần bị chặt phá, thay thế bằng những loại cây khác có hiệu quả kinh tế và tạo sự thông thoáng hơn.
Dẫu biết rằng, việc chặt bỏ những lũy tre cũng có lúc cần vì nó chiếm nhiều diện tích và che khuất nhà cửa nhưng không phải nơi nào trong làng cũng chặt hết. Việc chặt bỏ tre cũng cần phải tính đến tính hợp lý. Chỗ nào nên phá bỏ, chỗ nào cần giữ lại để giữ gìn nét văn hóa truyền thống ngàn đời nay.