Núi Hồng - Sông La

Bóng làng thân thương…

Bóng làng thân thương…

Thi thoảng những cậu em kết nghĩa ở quê lại gửi cho tôi những bức hình về làng quê thân thương. Đó là kết quả của những chiều rong ruổi, tìm kiếm. Mấy cậu đều nói, làng quê giờ đổi thay lắm rồi, em muốn đi tìm để lưu giữ cái hồn quê mộc mạc nhất. Những bức ảnh đó bao giờ cũng dội vào tâm tư tôi những nỗi nhớ, những giấc mơ về làng quê. Đó chính là bóng làng thân thương mà tôi thường hoài nhớ khi lạc lõng giữa phố phường, khi mà trong đời sống của tôi đã quá tải những xô bồ…

Làng tôi có tên cổ xưa là Xiếc, những năm chiến tranh bị bỏ bom thành hố, đến nỗi người làng bên gọi tên tục là Xiếc Bôộng. Vết thương của làng cũng chính là vết thương trong tâm tư con người. Ngôi làng mang tên một vết thương đã trở thành nỗi ám ảnh, trở thành động lực để những đứa trẻ lớn lên đều quyết chí ra đi, tìm kiếm những giá trị mới để khâu vá vết thương ấy. Tôi đã chứng kiến rất nhiều cuộc ra đi vì thương làng, thương mình như thế… Và thật ấm áp là họ đều đã trở về trong vinh hiển.

Bóng làng thân thương…

Ảnh: Trần Công Việt

Cha tôi cũng là một đứa trẻ lớn lên từ làng, đã từng sống những mùa đông hiu quạnh, đã từng qua những mùa hè giáp hạt, đã từng cảm thấy thương tổn bởi tên gọi của làng và đã từng quyết chí ra đi, thoát ly ngôi làng ấy… Nhưng rồi, trong suốt những năm tháng ngụ cư ở chốn khác, ông vẫn luôn đau đáu một niềm thương nhớ làng quê. Trong những câu thơ bất chợt, trong những bài tản mạn đầy cảm xúc và những câu chuyện của cha, tôi biết, làng quê trong tâm tư ông tràn ngập một niềm thương mến. Ở đó, góc nào ông cũng có thể tìm thấy bóng dáng mẹ cha, cũng có thể tìm lại tuổi thơ đầy nhọc nhằn nhưng hồn nhiên cùng những người em trai, em gái và bạn bè cùng trang lứa…

Bóng làng thân thương…

Làng quê Sơn Tân. Ảnh: Huy Tùng

Tôi không có nhiều thời gian ở làng nhưng đã có những năm tháng tuổi thơ gắn bó với làng. Khi ấy trí não vẫn còn như trang giấy trắng, nên những gì làng chạm khắc vào đó đều đã trở thành những thước phim âm bản. Hình ảnh đầy ắp nhất và thường trở về đầu tiên trong tâm trí khi tôi nghĩ về làng chính là lũy tre cong cong vươn mình sang phía quê ngoại Sơn Tân của tôi. Tre gợi nhắc về dáng vóc ông tôi ngồi đan nghiêng nghiêng bên thềm vắng, về những trưa hè cùng lũ bạn đi tìm âm thanh kẽo kẹt trong lũy tre xanh. Tre nhắc nhở những bài học về phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong các thời kỳ dựng nước và giữ nước.

Bóng làng thân thương…

Chúng tôi đã có những năm tháng được chở che, bao bọc bình yên trong lũy tre ấy. Tre vừa lớn lao trong vóc dáng thành lũy lại vừa gần gũi khi được “hóa thân” thành những vật dụng trong gia đình. Và, bao giờ cũng thế, dưới bóng tre ấy là dáng bà nội tôi cắp rổ ra đồng. Bất kỳ lúc nào, nghĩ về nội là trong tâm tư tôi lại dậy thơm mùi trầu quế. Với tôi, đó chính là cái mùi quê kiểng nhất, thơm tho nhất, nồng ấm nhất. Dù chân có bước đến tận phương nào, chỉ cần mùi trầu thơm phả vào hơi thở, bóng dáng lũy tre nơi làng quê thân thương lại hiện về và gợi lên cả một trời thương nhớ…

Tôi tin rằng, ai sinh ra và lớn lên từ làng cũng sẽ có ít nhất một mùi thơm, một hình ảnh khắc cứa như thế. Anh họ tôi thường nói với tôi về nỗi nhớ dòng sông khi anh đã định cư ở vùng Tây Nguyên xa xôi. Những con sông gập ghềnh kèm những con thác gầm gào luôn gợi nhắc về con sông quê êm đềm. Sông là làng quê của anh bởi tuổi thơ anh đã ngụp lặn ở đó, lớn lên ở đó. Sông cũng chính là nơi cùng anh cõng nỗi nhọc nhằn mùa vụ. Sông cho anh thấy những cuộc chia ly, những lần đoàn tụ. Sông cũng là nơi anh từng đưa tiễn những người thân trong gia đình sang núi Thiên Nhẫn an nghỉ vĩnh hằng. Và, bây giờ, sông là nơi anh úp mặt nhung nhớ, úp mặt khóc thầm sau hơn nửa đời phiêu dạt nơi xứ người…

Bóng làng thân thương…

Ảnh: Khánh Thành

Bóng làng, trong nỗi nhớ của nhiều người đôi khi là sự hiện hữu vật thể, đôi khi chỉ là những điều rất đỗi mơ hồ. Lẫn quất đâu đó là mùi đất ẩm, mùi rơm rạ, mùi khói đi qua liếp tranh còn nồng hơi ẩm. Là tiếng bước chân của con mèo mướp chạy nắng trên mái tranh. Là tiếng gà tao tác trên cây rơm giữa ban trưa quạnh vắng. Là hương bưởi thanh tao, là hương cau nồng nàn, là mùi quả tro ngai ngái, là tiếng mưa lộp bộp trên những tàu lá chuối, lá tro ngoài vườn vắng. Đôi khi còn có cả tiếng lục đục sửa soạn bữa sáng của nhà hàng xóm và mùi khói bay lên từ con cúi bằng rơm khi chạy ù đi xin hòn than về mồi lửa… Tất cả như vẫn còn đâu đó trong khí quản, trong võng mạc, trong tâm thất, tâm nhĩ của tôi và những người từng ra đi từ làng. Những điều mơ hồ ấy, nhiều lần lại sống dậy rất thực, rất mạnh mẽ giữa tâm tư, khiến tim ta loạn nhịp, khiến mắt người rơi lệ và khiến bước chân lại nôn nao, lại líu quíu quay về…

Bóng làng thân thương…

Ảnh: Hùng Nguyễn

Và rồi, thể nào nỗi nhớ miên man ấy cũng đưa con người ta tới những con đê uốn cong ôm ấp xóm làng. Tôi cũng như rất nhiều người, đã dành thật nhiều “dung lượng” trong bộ nhớ của mình để nhớ về con đê làng thân thương. Ở đó, chúng tôi đã có những chiều chăn bò thú vị cùng những trò chơi dân dã. Biết bao tiếng cười giòn đã tan cùng gió trên triền đê khi chúng tôi chạy đuổi theo những con diều hay hái lá dứa dại cài chong chóng rồi chạy ngược chiều gió. Ở đó, chúng tôi cũng đã có những giây phút lặng yên nằm ngắm bầu trời qua bông may tím biếc hay thẫn thờ ngắm những vạt hoa cải vàng rực trên bãi bồi ven sông rồi nghĩ đến những bà o, bà chị muộn chồng trong xóm nhỏ…

Bóng làng thân thương…

Triền đê ấy, với thế hệ ông bà, cha mẹ tôi còn nhiều kỷ niệm đáng nhớ hơn. Đó là những đêm trăng hò hẹn, là nơi đưa tiễn, là chốn hội ngộ của biết bao đôi lứa. Hồi ký của cha tôi còn kể lại rằng, sau lần về phép trở lại chiến trường, trong tinh sương mùa đông, cha mẹ tôi đã đi cùng nhau hết con đê của quê nội, quê ngoại, cho đến phà Linh Cảm thì mỗi người một hướng biền biệt chia xa. Về sau, trong những lần về quê từ hướng Linh Cảm, tôi thường mường tượng về cảnh cha mẹ tôi đi bên nhau trên con đê ấy, họ đã nói những gì để yên lòng người đi kẻ ở, họ đã hứa đợi những gì để có thể nguyên vẹn trở về sau chiến tranh… Tôi còn muốn hỏi con đê rằng, đã có bao nhiêu đôi lứa chia ly như cha mẹ tôi, bao nhiêu người còn trở về, bao nhiêu người mãi mãi không bao giờ được bước đi trên thênh thang bờ đê ấy. Có lẽ đê cũng đã cất giữ thật nhiều. Cả nước mắt lẫn nụ cười…

Bóng làng thân thương…

Ảnh: Ánh Dương

Bóng làng trong ký ức của nhiều người có thể là những mảnh ghép khác nhau nhưng tất cả đều gói trọn trong niềm thương nhớ. Dù cuộc sống có đưa ta đến phương trời nào, cách xa làng quê bao nhiêu con đường, bao nhiêu cánh đồng, bao nhiêu dòng sông... thì làng vẫn ở đó, như đầu kim trên chiếc compa, nhẫn nại găm mình vào thời gian, vào không gian, làm tâm điểm để một mai ta còn có chỗ để níu bóng quay về…

Ảnh: P.V - C.T.V

thiết kế: huy tùng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.