Theo Kế hoạch số 390/KH-UBND ban hành ngày 20/8/2024 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Festival “Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản” sẽ diễn ra từ ngày 27 - 30/11/2024, tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An.
Festival nhằm đánh giá kết quả công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm sau 10 năm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, tiếp tục quảng bá, giới thiệu những giá trị đặc sắc, tinh hoa, độc đáo của dân ca ví, giặm đến bạn bè trong nước và quốc tế; tăng cường giao lưu, kết nối với các di sản văn hóa các vùng miền, nhất là di sản đã được UNESCO vinh danh.
Đây cũng là dịp để tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, trao truyền và phát huy di sản dân ca ví, giặm trong đời sống.
Theo kế hoạch, Festival "Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản" sẽ có 5 hoạt động chính gồm: Cuộc thi tìm kiếm tài năng ví, giặm qua video, clip do Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh chủ trì (diễn ra từ tháng 8/2024, tổng kết và trao giải vào tháng 11/2024); cầu truyền hình chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm” (vào lúc 20h10 phút ngày 27/11/2024, tại 2 điểm cầu Nghệ An và Hà Tĩnh, truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh và Nghệ An); tổ chức không gian trưng bày và trình diễn di sản văn hoá kết hợp các sản phẩm du lịch (từ ngày 28 - 30/11/2024, tại Quảng trường Thành Sen, TP Hà Tĩnh); Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh (vào buổi tối các ngày 28, 29, 30/11/2024, tại Quảng trường Thành Sen, TP Hà Tĩnh); tổ chức hội thảo quốc gia đánh giá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (dự kiến diễn ra vào ngày 29/11/2024, tại TP Hà Tĩnh).
Đáng chú ý, cùng với các đoàn dân ca ví, giặm đến từ Nghệ An và Hà Tĩnh, trong 2 sự kiện: Tổ chức không gian trưng bày và trình diễn di sản văn hóa kết hợp sản phẩm du lịch và Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh sẽ có sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật dân ca đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, với các di sản như: đờn ca tài tử, ca trù, bài chòi, quan họ Bắc Ninh, nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hát xoan, hát then, xòe Thái...
Theo dự kiến, tại Festival về dân ca ví, giặm lần này, ngoài các đại biểu, khách mời đến từ các cấp, ngành Trung ương, một số tỉnh, thành phố trên cả nước, còn có các đại biểu của tổ chức UNESCO tại Việt Nam cùng dự.