10 năm (2014-2024) dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng là chừng ấy thời gian Hà Tĩnh tập trung cao cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được trên 176 CLB dân ca ví, giặm ở các xã, phường, thị trấn và hàng trăm CLB trong các trường học. Các CLB là địa chỉ thu hút hàng trăm người đủ mọi lứa tuổi tham gia sinh hoạt, tập luyện, trình diễn dân ca ví, giặm; tham gia nhiều kỳ liên hoan, các chương trình tại các sự kiện lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Qua đó, lan tỏa dân ca ví, giặm một cách rộng khắp trong đời sống Nhân dân.
Có được điều đó, bên cạnh nhiều chính sách bảo tồn, phát huy di sản của tỉnh, các nghệ nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là những nghệ nhân nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Bằng tình yêu và niềm say mê câu hát ông cha, họ đã không ngừng sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân ca ví, giặm. Họ chính là những “bảo tàng sống” của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Nhân dịp 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi đã tìm gặp những “cây đại thụ” của dân ca ví, giặm Hà Tĩnh. Và người đầu tiên tôi “gõ cửa” là NNND Trần Khánh Cẩm (SN 1939), đã có hơn 70 năm gắn bó với dân ca ví, giặm.
Trong ngôi nhà nhỏ ở xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh), căn phòng dành để lưu giữ những hiện vật, tư liệu về dân ca ví, giặm mà ông cất công sưu tầm trong hàng chục năm gắn bó với dân ca ví, giặm ngày càng đầy thêm.
Cuộc gặp nào cũng vậy, ông dẫn tôi vào thư phòng, vừa đi vừa ngân nga một vài câu ví, giặm. Những câu chuyện về cơ duyên đến với dân ca như việc ông được thừa hưởng giọng hát của người mẹ là nghệ nhân hát chèo; năm 17 tuổi được Ty Văn hóa Hà Tĩnh tuyển vào Đội Văn hóa tuyên truyền của tỉnh; năm 20 tuổi được tuyển vào Đoàn Văn công Hà Tĩnh; và cả việc năm 1967, ông bỏ đoàn về quê vì nỗi đau mất mẹ (mẹ mất vì trúng bom Mỹ)..., tôi đều đã thuộc nằm lòng mà lần nào nghe ông nhắc đến cũng đều như mới mẻ. Dường như ông luôn kể câu chuyện cuộc đời mình bằng những âm hưởng của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nên chuyện nào cũng thật mộc mạc, thật da diết, thật mênh mang, sâu lắng…
Tôi nhìn lên những bức tranh chữ, những bản chép tay bài hát cổ dân ca ví, giặm, những bức ảnh kỷ niệm, những danh hiệu NNND Trần Khánh Cẩm được trao tặng mà thêm trân quý một tấm lòng với dân ca ví, giặm. Từ việc rời Đoàn Văn công về quê của ông, hôm nay, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh có được một “bảo tàng sống” nhiều giá trị đến vậy. Trở về quê nhà, ông Cẩm có nhiều thời gian để gắn bó với dân ca ví, giặm hơn. Ông tích cực tham gia và gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở địa phương và đặc biệt chú trọng đến việc sưu tầm lời cổ, biên soạn lời mới cho dân ca ví, giặm.
NNND Trần Khánh Cẩm kể: “Hễ nghe ai nói ở đâu có người biết hát những bài ca cổ ví, giặm là tôi tìm đến nghe, ghi lại, tập hát, biểu diễn. Mùa thu năm 1969, khi nghe nói ở xã Kỳ Lâm có ông Việt đã ngoài 80 tuổi hát một bài giặm cổ hay lắm, thế là tôi liền tìm đến. Và tôi đã sưu tầm thành công bài “Ô Lục Soạn”. Có thể nói đây chính là một thành tựu lớn trong hành trình bảo tồn dân ca ví, giặm của tôi. Từ đây, tôi càng say mê sưu tầm và biên soạn lời mới. Đến nay, “gia tài” của tôi có hàng trăm bài hát, vở kịch, tiểu phẩm, tổ khúc, diễn xướng dân ca ví, giặm được sưu tầm, biên soạn”.
Sở hữu “kho báu” các làn điệu, câu ca của ông cha, “bảo tàng sống” Trần Khánh Cẩm trở thành “địa chỉ” để các đơn vị, cá nhân bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm trong và ngoài tỉnh tìm đến để tìm hiểu, tham khảo, sưu tầm và nhờ tư vấn về thực hành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong hành trình đến với những “bảo tàng sống” của dân ca ví, giặm, không thể thiếu vợ chồng NNND Vũ Thị Thanh Minh (SN 1954) và NNƯT Phạm Thế Nhuần (SN 1950) ở xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên). Ở họ có tình yêu vô điều kiện đối với dân ca ví, giặm.
NNND Thanh Minh từng là diễn viên ca kịch chuyên nghiệp, còn NNƯT Thế Nhuần là cây văn nghệ tại một đơn vị thuộc Bộ GTVT. Năm 1992, sau khi nghỉ chế độ, cả hai về quê nhà Cẩm Mỹ và bắt đầu gây dựng phong trào hát dân ca ví, giặm tại địa phương. Những người nông dân chân lấm tay bùn dưới sự động viên, chỉ bảo của vợ chồng nghệ nhân đã bắt đầu biết hát và say mê những câu giặm, điệu ví. Đến năm 2012, với sự hỗ trợ của địa phương và người dân, vợ chồng nghệ nhân đã thành lập CLB Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ, đưa phong trào hát dân ca ví, giặm ở quê hương tiến thêm một bước.
Trải qua hàng chục năm, CLB không ngừng lớn mạnh, từng tham gia nhiều liên hoan trong và ngoài tỉnh, đạt nhiều huy chương; được mời biểu diễn tại các sự kiện quan trọng do các đơn vị ở Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức. Đồng thời, cả hai vợ chồng nghệ nhân cũng đã thực hiện hàng chục chương trình văn nghệ truyền hình, phát thanh… lan tỏa dân ca ví, giặm đến đông đảo khán thính giả trên cả nước. Trong quá trình đó, 2 nghệ nhân cũng đã truyền dạy cho hàng trăm người là thế hệ đi sau nắm bắt và thực hành dân ca ví, giặm trong đời sống.
NNND Thanh Minh cho biết: “Từ một nghệ sỹ chuyên nghiệp trở thành nghệ nhân dân ca ví, giặm, với riêng tôi mà nói, đó là một bước tiến trong hành trình hoạt động nghệ thuật. Sống trong “bầu sữa” văn hóa xứ Nghệ, tôi mới thực là tôi. Tôi đã tìm thấy niềm đam mê của mình từ việc sưu tầm lời cổ đến biểu diễn và truyền dạy dân ca ví, giặm. Làm một nghệ nhân dân gian thực sự giúp tôi đóng góp nhiều hơn trong việc phát huy các giá trị của di sản”.
Một trong những “cây đại thụ” của dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh mà không ai không biết đó là NNND Nguyễn Ban (SN 1940, thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân). Ông là người đã góp sức khơi lại mạch nguồn di sản, trong đó có dân ca ví, giặm từng bị mai một tại “miền đất hát” Nghi Xuân cũng như ở Hà Tĩnh. Phát huy những kiến thức được đào tạo tại Trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội, suốt hàng chục năm từ khi làm cán bộ văn hóa huyện Nghi Xuân cho đến sau này, NNND Nguyễn Ban đã có nhiều cống hiến trong việc khôi phục lại phong trào dân ca ví, giặm. Từ chỗ dân ca ví, giặm gần như “vắng bóng” trong phong trào văn nghệ tại các địa phương, đến những năm 1998-2000, NNND Nguyễn Ban đã góp phần đưa Nghi Xuân trở thành huyện đầu tiên trong cả nước đưa dân ca vào trường học.
Đến nay, với sự miệt mài sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lời mới, NNND Nguyễn Ban đã xuất bản hàng chục đầu sách nghiên cứu và tuyển tập sáng tác dân ca ví, giặm. “Với tôi, câu ca điệu ví của quê hương là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn, thôi thúc bản thân luôn nỗ lực tìm tòi, sáng tác. Thông qua công việc của mình, tôi muốn câu hát của cha ông sẽ tiếp tục ngân vang mãi với thời gian” - NNND Nguyễn Ban chia sẻ.
Hà Tĩnh đã có 21 nghệ nhân thực hành dân ca ví, giặm được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNND và NNƯT, trong đó có 3 người là NNND, 18 người là NNƯT. Họ là những “bảo tàng sống” giúp câu hát quê hương được lưu giữ và lưu hành trong đời sống.
Bà Phan Thư Hiền - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh cho biết: “Với tình yêu, niềm đam mê dân ca ví, giặm, các NNND, NNƯT đã dành cả cuộc đời để sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa quê hương. Họ chính là “kho báu”, là “bảo tàng sống” khi nắm giữ kiến thức về các làn điệu, bài ca cổ ví, giặm và không ngừng lan tỏa di sản cha ông qua việc truyền lại cho thế hệ trẻ. Qua đó, phát huy các giá trị di sản, làm sáng lên câu hò, điệu ví quê hương, lan tỏa trong đời sống cộng đồng”.