Về Hà Tĩnh

Anh cover PC (1).jpg

Với Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh, sông Ngàn Sâu (Vũ Quang - Hà Tĩnh) là con sông hiền hòa nhất, đã cho anh cả một thời ấu thơ đẹp đẽ. Anh đã men theo dòng ký ức ấy sáng tạo nên những tác phẩm để đời.

Unit.png
Tit phu 1.gif

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà 167 Ngô Gia Tự, TP Vinh (Nghệ An) của cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng miền quê xứ Nghệ: Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Nguyễn An Ninh (SN 1962, quê xã Đức Liên, Vũ Quang) và NSND Trịnh Hồng Lựu (SN 1967, quê Thanh Chương, Nghệ An). Cái tên Hồng Lựu lưu lại trong niềm yêu mến của khán thính giả cả nước từ lâu nhưng ít người biết anh An Ninh - chồng chị, là tác giả của nhiều kịch bản dân ca. Trong đó, nhiều tác phẩm chị hát chính hoặc làm đạo diễn. Anh cũng là diễn viên trong một số vở ca kịch của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An. Như con tằm lặng thầm nhả tơ, dẫu đã nghỉ hưu, sự nghiệp sáng tác của anh vẫn chưa ngừng nghỉ và bút lực vẫn dồi dào.

Vợ chồng NSND Nguyễn An Ninh và NSND Trịnh Hồng Lựu thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau trong công việc.

Vợ chồng NSND Nguyễn An Ninh và NSND Trịnh Hồng Lựu thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau trong công việc.

“Tôi sinh ra khi đất nước còn đói nghèo, chiến tranh, chứng kiến bao đau thương mất mát của nhiều gia đình và cảnh những người vợ, người mẹ khắc khoải chờ trông. Bạn bè chúng tôi ngày ấy chia nhau từng củ khoai, mẩu bánh ngọt bùi. Nhà tôi ở gần sông Ngàn Sâu. Mẹ tôi là người hay hát và hay kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe. Lớn lên một chút, chiều nào tôi cũng ra hát đối đáp với làng vạn chài, làng bè, hát với sang bên kia sông. Quê hương đã nuôi lớn tôi, cho tôi những hạt mầm yêu thương, hạt mầm nghệ thuật. Sau này, khi viết về người mẹ, người chiến sĩ, tình yêu lứa đôi… chỉ cần nhớ về quê hương, men vào ký ức ấy là tôi viết rất nhanh” - NSND An Ninh trải lòng.

NSND Nguyễn An Ninh chia sẻ về quê hương - nơi ươm mầm nghệ thuật trong ông.

Cơ duyên đến với con đường nghệ thuật của NSND An Ninh cũng thật bất ngờ. Do hay hát hò, hoạt động phong trào sôi nổi, năm 1983, đang là bí thư đoàn xã, anh được điều xuống Huyện đoàn làm việc. Trên đường đi, gặp đoàn văn công về tuyển người, anh vào dự tuyển và trở thành diễn viên Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh. Có điều lạ là anh từng định vào ngành ngân hàng, công an nhưng bố anh không cho đi, chỉ đồng ý cho anh vào đoàn văn công. Chính ông đã nhìn thấy tố chất của con trai và định hướng cho anh theo con đường nghệ thuật.

Tit phu 3 (1000 x 300 px).gif

Nguyễn An Ninh đã không phụ công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, không phụ quê hương đã “chắt chiu từ chua mặn, từ trong đục lở bồi, từ hương vị của đất trời” để cho anh những lời dân ca da diết ân tình. Chưa từng qua trường lớp đào tạo nào, anh chỉ học hỏi từ những đồng nghiệp đi trước, nhất là Nghệ sĩ Ưu tú Đình Bảo và các đợt tập huấn ngắn ngày.

Vậy mà, dường như niềm đam mê ví, giặm mãnh liệt, sự rung động sâu sắc của một tâm hồn gắn bó máu thịt với quê hương, với người nông dân xứ Nghệ một nắng hai sương, đã mang đến trong tâm hồn và trí tuệ của anh một gia tài hiếm có.

aIMG_1111.jpg
Niềm đam mê ví, giặm đã mang đến trong tâm hồn và trí tuệ của NSND Nguyễn An Ninh một gia tài hiếm có.

Anh đã có cả một gia tài nghệ thuật đồ sộ: 60 tác phẩm chuyển thể dân ca ví, giặm của các tác giả kịch bản và 20 kịch bản dân ca do anh viết. Anh dùng làn điệu ví, giặm cùng các phân cảnh kịch để viết nên nhiều tác phẩm sử thi về các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa.

Tiêu biểu là vở ca kịch “Lời Người, lời của nước non” viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh (do NSND Hồng Lựu đạo diễn, Nhà hát Dân ca Nghệ An thể hiện) được diễn ở rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước; các vở ca kịch về các nhân vật: Phan Bội Châu, Mai Thúc Loan, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương… Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, anh đã viết kịch bản dân ca: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Anh cũng đang làm chương trình tại Lễ hội Làng Sen và kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

144d6232538t35113l0.jpg
Chương mở đầu “Xe chưa qua, nhà không tiếc” của chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc - nối mạch ngàn năm”. Ảnh tư liệu

Trả nghĩa với quê hương Hà Tĩnh, anh đã dồn hết tâm huyết, trí tuệ để viết các kịch bản dân ca hoặc chuyển thể, lồng điệu các kịch bản sang dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Nhiều tác phẩm gần đây của anh đã được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh thể hiện xuất sắc, được khán thính giả khen ngợi như: “Rạng ngời đất học Trường Lưu”, “Sĩ tử đất La Sơn”, “Cõi thiêng Đồng Lộc nối mạch ngàn năm”, “Khoảng trời con gái” (chuyển thể kịch bản Nguyễn Sĩ Đại)…

Anh cũng viết rất nhiều tổ khúc dân ca phục vụ các ngành, các sự kiện của nhiều địa phương, đơn vị ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Thời kỳ Hồng Lựu còn làm diễn viên, vở nào anh viết chị cũng làm diễn viên chính (“Soi vào quá khứ”, “Tuyết Mai”, “Góc khuất đời người”, “Cánh cò trong bão”)…

Đoàn NA.jpg
NSND Nguyễn An Ninh cùng các nghệ sĩ ở Nghệ An chụp ảnh lưu niệm bên lề lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10, tháng 3/2024. Ảnh: VHNA

Sau này, khi làm Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống, làm đạo diễn, nhiều chương trình nghệ thuật về ví, giặm do anh viết lời, chị là người góp ý từng câu chữ và cũng là người hát “ngọt” nhất, lay động nhất. Hai người có khi “khúc mắc” nhưng rồi câu dân ca ngọt ngào đã gắn kết họ trong một không gian hạnh phúc. Hai đứa con một trai, một gái cũng theo nghiệp của bố mẹ, đang từng bước khẳng định mình.

NSND An Ninh chia sẻ: “Một lợi thế của ví, giặm mà tôi chú trọng khai thác là viết về tình yêu đất nước luôn hòa với tình yêu lứa đôi một cách nhuần nhuyễn, sâu lắng, thấm thía khiến người nghe xúc động sâu sắc, từ đó chuyển tải được nhiều nội dung tư tưởng. Tôi có thể dùng thơ Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ một cách “rất mịn, rất nhuyễn” vào các tác phẩm dân ca của mình, đồng thời cũng làm cho câu ví, giặm thêm lung linh, sáng đẹp”.

2 vợ chồng NSND Nguyễn An Ninh và NSND Trịnh Hồng Lựu trao đổi hoàn thiện kịch bản chương trình.

Không chỉ viết cho người khác hát và diễn, chính NSND Nguyễn An Ninh cũng vào một số vai chính và thành công như: nhân vật thầy giáo Trung - “Thầy và trò”, chiến sĩ công an - “Người thứ 13”, phó chánh thanh tra - “Vầng sáng” (từ vai diễn này, anh đã giành HCV).

Tit phu 2.gif

Khi nhận lời viết kịch bản dân ca về đồng chí Trần Phú nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của cố Tổng Bí thư, NSND Nguyễn An Ninh trăn trở rất nhiều. Viết sử thi bằng dân ca về một nhân vật lịch sử mà dấu ấn lớn nhất là những trang luận cương, làm sao để chuyển tải được nội dung này để vừa toát lên tính tư tưởng vừa lay động lòng người là điều mà ngày đêm anh phải suy nghĩ. Anh đã dành 1 đoạn hát dân ca 7-8 phút gồm ví, giặm, tứ hoa để tả chuyện Trần Phú viết Luận cương, nơi gặp gỡ của đồng chí Trần Phú với Bác Hồ ở Trung Quốc. Anh dùng những câu từ và hình ảnh ngọn đèn phía trời xa để diễn tả việc Trần Phú đi tìm gặp Bác Hồ.

11.jpg
Chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã khắc họa đậm nét cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh.

“Phân đoạn tôi tâm đắc nhất là cảnh Trần Phú ở trong tù, mơ về mẹ. Đây là đoạn có chiều sâu, gây xúc động cho khán thính giả. Có thể nói, kịch bản dân ca ví, giặm về Trần Phú là một kịch bản tương đối đầy đủ, vừa rất có “chí khí chiến đấu” vừa tình cảm, sâu lắng. Với sự đạo diễn và biên đạo múa của các nghệ sĩ ưu tú: Duy Hải, Tuyết Minh và dàn diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, vở diễn sẽ góp phần lan tỏa tư tưởng, phẩm chất cao đẹp của đồng chí Trần Phú tới khán thính giả cả nước”.

Trích đoạn chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Video: HTTV
az5353760693718_be921d32c790073abcc491c36adb8936.jpg
NSND An Ninh bên dòng sông Ngàn Sâu. Ảnh: NVCC

Những ngày này, NSND An Ninh và Hồng Lựu về quê Hà Tĩnh nhiều hơn trước. Anh chị đang làm giám khảo cuộc thi sáng tác lời dân ca của ngành công an, rồi truyền dạy hát dân ca cho các địa phương. Họ muốn gắn bó nhiều hơn với quê hương Hà Tĩnh sâu nặng ân tình. Tới đây, anh dự định về quê để tri ân quê nhà Đức Liên. Ở đó, ngôi nhà thuở ấu thơ và cả một trời kỷ niệm của anh vẫn còn.

Quê hương đã cho anh vốn liếng quý giá, và anh sẽ trở về tri ân mẹ cha, quê nhà, đúng như lời ví, giặm anh viết: “Về với sông núi Hồng Lam niềm kiêu hãnh bao đời. Câu ví, giặm ân tình người xứ Nghệ. Là giọng nói của cha, tiếng ru hời của mẹ, là cốt cách tâm hồn người Nghệ đó người ơi!”.

NỘI DUNG: BÙI MINH HUỆ

ẢNH, VIDEO: ĐÌNH NHẤT

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.