Nữ nghệ nhân ở Hà Tĩnh 30 năm rong ruổi cùng dân ca ví, giặm

(Baohatinh.vn) - Trong vai trò “nhạc trưởng”, nghệ nhân Võ Thị Kiều Thanh - Chủ nhiệm CLB Dân ca - dân vũ Thành Sen (Hà Tĩnh) đã lan tỏa câu hát quê hương tới các miền quê trong và ngoài tỉnh.

Đam mê ca hát từ thủa đôi mươi và có đến 30 năm rong ruổi cùng câu ca ví giặm, nghệ nhân Võ Thị Kiều Thanh (SN 1957, tổ dân phố 7, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) hiện là Chủ nhiệm CLB Dân ca - dân vũ Thành Sen. Trong vai trò “nhạc trưởng”, chị đã tích cực thu hút thành viên, tìm sân khấu biểu diễn nhằm lan tỏa câu hát quê hương tới các miền quê trong và ngoài tỉnh.

Từ người nhen nhóm phong trào hát dân ca ví, giặm

Một sáng hè Thành Sen dịu nắng, trong căn phòng nhỏ của mình, nghệ nhân Võ Thị Kiều Thanh lần giở những tấm bằng khen, những bức hình, nhớ về những năm tháng “gieo mầm” tình yêu ví, giặm từ khi còn là xã viên HTX Thủ công mỹ nghệ Hồng Tiến cho đến suốt quá trình tham gia các tổ chức xã hội ở phường Nam Hà.

Yêu dân ca ví, giặm cháy bỏng, ở đâu chị cũng là hạt nhân văn nghệ và là người đi đầu trong việc mượn câu hát của cha ông, dựng thành các tiểu phẩm để chuyển tải các nội dung tuyên truyền. Ban đầu, các tiết mục, tiểu phẩm chỉ để phục vụ sinh hoạt tại địa phương, sau đó thì tham gia các cuộc thi ở phường, thị xã rồi thành phố và đạt nhiều giải cao.

IMG_7592.JPG
Nghệ nhân Võ Thị Kiều Thanh luôn nhớ về những năm tháng “gieo mầm” tình yêu ví, giặm.

Nghệ nhân Kiều Thanh bồi hồi nhớ lại: “Thuở ban đầu, phong trào hát dân ca ví, giặm chưa sôi nổi, chưa có nhiều tác phẩm để biểu diễn, khi gặp các bài thơ hay, tôi bèn chuyển thành các làn điệu để hát hoặc nhờ người sáng tác các tiểu phẩm để biểu diễn. Có một số vai diễn trong các tiểu phẩm đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả Thành Sen, trong đó, điển hình là vai diễn mẹ Thanh trong tiểu phẩm dân ca “Nỗi đau lòng mẹ” (giải nhất Hội thi Tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội của phường Nam Hà năm 1997).

Nhiều người đã khóc khi nỗi đau của người mẹ được gửi vào câu hát xé lòng và gương mặt đau khổ của diễn viên. Có lẽ vì tôi nhập vai quá tốt nên sau này nhiều người đã gọi tôi là “mẹ Thanh” thay vì “o Thanh”. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục gắn bó, tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của dân ca ví, giặm trong nhiều năm nay như: sưu tầm lời cổ, dựng và biểu diễn một số tác phẩm nổi tiếng mới sáng tác…”.

CLB 1.jpg
xam 4.jpg
Nghệ nhân Võ Thị Kiều Thanh và CLB Dân ca - dân vũ Thành Sen tham gia biểu diễn tại nhiều chương trình trong và ngoài nước.

Gần 30 năm đưa câu hát cha ông lên sân khấu nghệ thuật quần chúng, đến nay, tình yêu ấy trong chị không hề vơi cạn, ngược lại, như người ta nói, càng về già thì làn điệu dân ca càng thấm thía, càng sâu lắng như dòng sữa ngọt lành giữa những trong đục, lở bồi của cuộc sống.

… Đến người chị cả của CLB Dân ca - dân vũ Thành Sen

Từ người nhen nhóm phong trào ở phường Nam Hà, chị Kiều Thanh đã tham gia vào các hoạt động với phạm vi rộng lớn nhằm truyền lửa tình yêu ví, giặm tới nhiều người và mang câu hát dân ca xứ Nghệ đi khắp muôn phương.

IMG_7602.JPG
Nghệ nhân Võ Thị Kiều Thanh (người đứng giữa phía sau) cùng CLB Dân ca - dân vũ Thành Sen chuẩn bị trang phục cho một buổi biểu diễn.

Dày dạn kinh nghiệm trong khâu tổ chức, tập hợp nghệ nhân, luyện tập và biểu diễn, chị ngày càng “máu lửa” hơn trong vai trò người cầm quân, quên cả tuổi tác và sức khỏe. Năm 2020, chị là thành viên tích cực của CLB Dân ca “Góc phố” của Thành Sen. Năm 2022, CLB Dân ca - dân vũ Thành Sen chính thức ra đời với 24 thành viên cùng 10 cộng tác viên là các hạt nhân dân ca ví, giặm, múa dân gian của các phường, xã trong toàn thành phố. Trong đó có những gương mặt khá nổi bật như: Đức Đồng, Hoài Thanh, Xuân Ánh, Kim Phú, Thanh Huyền, Lê Thị Huyền, Hải Vân, Hồng Hải, Mai Nguyệt, Hồng Hà, Hữu Hạnh… Có những người trẻ như Văn Sang, Thùy Diễm cũng tham gia vào một số chương trình của CLB.

mua 4.jpg
Nghệ nhân Võ Thị Kiều Thanh (ngoài cùng bên trái) tại Hội thi Tiếng hát người cao tuổi toàn quốc.

Với tâm huyết, sự năng nổ của chị cả Kiều Thanh, hoạt động của CLB Dân ca - dân vũ Thành Sen ngày càng khởi sắc, không chỉ góp mặt trong các chương trình nghệ thuật của địa phương, CLB còn vươn ra các sân khấu khu vực và nước ngoài. Trong đó, năm 2023 là năm “bội thu” khi mỗi tháng CLB thực hiện một chương trình, trong đó nổi bật là chương trình biểu diễn chào mừng ngày sinh nhật Bác Hồ tại Nakhon Phanom - Thái Lan. “Nhờ sự kết nối của Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh và tổ chức Hữu nghị Việt - Thái, CLB đã có một chương trình biểu diễn, trong đó đa phần là các tiết mục dân ca ví, giặm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bà con Việt kiều và người dân nước bạn", chị Kiều Thanh chia sẻ.

Từ tháng 8 - 10/2023, các thành viên CLB và cộng tác viên lại tích cực tập luyện chương trình tham gia Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi cấp thành phố, cấp tỉnh, khu vực các tỉnh phía Bắc và chung kết toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội. Chị Kiều Thanh vừa là diễn viên, vừa lo đôn đốc, động viên anh chị em tập luyện. Quyết đoán, phương pháp điều hành khoa học, sự tận tụy của chị đã góp phần tạo nên thành công của nhiều chương trình.

Bên cạnh đó, CLB Dân ca - dân vũ Thành Sen còn được nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương mời tham gia biểu diễn các chương trình văn nghệ phục vụ các sự kiện. Với vai trò chủ nhiệm, chị Kiều Thanh lên kế hoạch tập luyện, biểu diễn, chuẩn bị phương tiện đi lại cho các thành viên. Chị rất chú trọng thiết kế, chọn màu sắc trang phục làm sao để phù hợp với dân ca ví, giặm mà không nhàm chán với khán giả, không quá lòe loẹt mà vẫn nổi bật trên sân khấu. Hiện nay, CLB đã có một số lượng trang phục, đạo cụ được mua, được may sắm khá đầy đủ với nguồn kinh phí trên 40 triệu đồng do các thành viên đóng góp, không chỉ phục vụ CLB mà còn hỗ trợ các CLB khác trong tỉnh.

“6 tháng đầu năm 2024, CLB đã tham gia 12 chương trình biểu diễn. Uy tín của CLB ngày càng cao. CLB không chỉ là sân chơi bổ ích cho các thành viên mà còn là nơi để mỗi người thể hiện tài năng, tình yêu, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm. Yếu tố quan trọng để CLB ngày càng phát triển, gắn bó bền chặt với nhau là ở sự đam mê, nhiệt huyết của các thành viên. Chúng tôi luôn cố gắng để chị em có cơ hội được tỏa sáng và cũng thu hút người trẻ tham gia nhằm trao truyền cho thế hệ sau” - chị Kiều Thanh trải lòng.

z5692294173127_a0db6955f88f35c0bd85326e5f48ad67.jpg
Các thành viên của CLB Dân ca - dân vũ Thành Sen tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024.

Các thành viên của CLB đa phần trên 60 tuổi nhưng lòng say mê của họ thì không có tuổi. Những đêm mưa rét, họ vẫn lặn lội vào tận xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) biểu diễn cho chương trình thiện nguyện. Có đêm, họ ra tận Nam Đàn (Nghệ An) biểu diễn, trở về vào lúc 1h sáng hôm sau. Những ngày mưa lạnh, họ vẫn xuống bờ sông Hộ Độ (Lộc Hà), bãi sông Cương Gián (Nghi Xuân) ghi hình phát sóng cho Đài PT-TH tỉnh. Và chị Kiều Thanh luôn là người đồng hành cùng những chuyến đi ấy.

Nói về người chị cả của CLB, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền nhận xét: “Chị Kiều Thanh là người luôn tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm, làm cho câu hát của cha ông ngày càng được lan tỏa muôn phương. Là chủ nhiệm CLB, chị luôn hết mình, tận tụy trong tổ chức mọi hoạt động của CLB, kết nối để CLB tham gia nhiều sự kiện trong tỉnh và các tỉnh bạn nhằm quảng bá dân ca ví, giặm. Chị không ngừng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và truyền lại cho CLB. Là người trung trực, thẳng thắn nhưng sống nội tâm, chị đã tạo được sự đoàn kết trong CLB, nhờ đó, CLB ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, thu hút được nhiều người có giọng hát hay tham gia”.

Với những đóng góp của mình, chị Võ Thị Kiều Thanh đã nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen của các tổ chức: giải xuất sắc Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi toàn tỉnh năm 2023 (tập thể); giải A Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi khu vực phía Bắc năm 2023 (tập thể); giải A Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi toàn quốc năm 2023 (tập thể); giải A Liên hoan các CLB dân ca ví, giặm toàn tỉnh năm 2013, 2016, 2018 (cá nhân); bằng khen của Bộ Công an về “Đưa dân ca vào phòng chống tệ nạn xã hội” năm 2020 (cá nhân).

Video: Khúc hát mừng xuân - dân ca Nghệ Tĩnh do các thành viên CLB Dân ca - dân vũ Thành Sen biểu diễn (Nguồn: Truyền hình Hà Tĩnh)

Chủ đề Đời sống văn hóa

Chủ đề 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.