Nghệ nhân trẻ Hà Tĩnh lan tỏa ví, giặm trong đời sống

(Baohatinh.vn) - Bằng tình yêu, tâm huyết và trách nhiệm dành cho dân ca ví, giặm, nhiều người trẻ Hà Tĩnh đã nỗ lực "chắp cánh" cho di sản của ông cha lan tỏa trong đời sống văn hóa tinh thần hôm nay.

Anh Hoàng Thế Anh - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên): Say mê làm mới câu hát của ông cha

A1.jpg
Anh Hoàng Thế Anh - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm xã Nam Phúc Thăng.

Buổi tập văn nghệ của các thành viên CLB Dân ca ví, giặm xã Nam Phúc Thăng do anh Hoàng Thế Anh (SN 1983) làm chủ nhiệm diễn ra trong không khí sôi nổi nhưng không kém phần nghiêm túc. Nhiều năm nay, anh đã đảm nhận công việc này cho tất cả các sự kiện văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn lớn nhỏ của địa phương.

Chia sẻ về “mối duyên” và tình yêu với loại hình nghệ thuật truyền thống này, anh cho biết: “Mẹ và bà ngoại tôi là những người thuộc nhiều bài ví, giặm và thường hát cho con cháu nghe. Từ nhỏ, tôi đã hát theo và yêu thích những lời ca mộc mạc đó. Có niềm đam mê và một chút năng khiếu, lớn lên, tôi chọn thi vào chuyên ngành Thanh nhạc - Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh (nay là Trường Cao đẳng Nguyễn Du), quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp”.

Năm 2008, ra trường, làm một nhạc công biểu diễn, anh vẫn luôn đau đáu với dân ca ví, giặm. Trăn trở việc làm thế nào để ví, giặm gần hơn trong đời sống, có thể hòa vào nhịp sống của người trẻ, anh bắt đầu chuyển hướng từ biểu diễn sang dàn dựng, viết lời mới cho các làn điệu ví, giặm.

a2.jpg
Một buổi tập luyện của CLB Dân ca ví, giặm xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) dưới sự hướng dẫn của anh Hoàng Thế Anh.

“Để áp dụng được lời mới vào những làn điệu cũ một cách hợp lý, hài hòa thì trước hết người viết phải hiểu được gốc gác, ý nghĩa của từng câu hát. Viết sao cho cân bằng được giữa cái mới và cái cũ; người trẻ nghe hiểu và hứng thú mà người già thì không thấy quá mới mẻ, mất đi cái hồn của ví, giặm là điều không hề dễ dàng. Do đó, tôi thường xuyên phải tìm đến các vị tiền bối để học hỏi, trau dồi; vừa sáng tác, vừa tiếp thu những ý kiến phản hồi để điều chỉnh cho phù hợp” - anh Thế Anh chia sẻ.

Nhiều sáng tác của anh Thế Anh đã giúp đội văn nghệ của các xã, huyện giành giải cao tại nhiều cuộc thi, hội diễn; được sử dụng rộng rãi trong công tác tuyên truyền ở địa phương, tiêu biểu như: tổ khúc dân ca “Đảng bộ xã Cẩm Hà làm theo lời Bác”, “Đẹp vô cùng Cẩm Xuyên ta ơi”, “Nam Phúc Thăng bừng sáng một miền quê”…

Anh Trần Văn Sang - Trưởng ban Thanh thiếu nhi - Trường học (Tỉnh đoàn): Nỗ lực “số hóa” ví, giặm, lan tỏa di sản quê hương

b1.jpg
Nghệ nhân dân gian Trần Văn Sang.

Thể hiện tình yêu, trách nhiệm với di sản theo một cách đặc biệt hơn, Nghệ nhân dân gian Trần Văn Sang (SN 1987) - Trưởng ban Thanh thiếu nhi - Trường học (Tỉnh đoàn) đã lựa chọn cách thức đưa ví, giặm lên các nền tảng mạng xã hội, “số hóa” để tăng khả năng lưu giữ và lan tỏa.

Văn Sang gắn bó với dân ca ví, giặm từ nhỏ qua những câu hát của mẹ, của bà. Lớn lên, với năng khiếu bẩm sinh cùng niềm đam mê đặc biệt, anh may mắn trở thành học trò của những bậc thầy về loại hình nghệ thuật diễn xướng này như Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Hồng Lựu, Nghệ sỹ Ưu tú Ngọc Hà.

z5605703436302_e3eb889de2be2fdaefa4eee4012ce64b.jpg
Nỗ lực lan tỏa dân ca ví, giặm, Nghệ nhân Trần Văn Sang đã lập kênh youtube thu hút 49.200 lượt theo dõi.

Có hàng chục năm hoạt động tích cực trong vai trò người biểu diễn, sưu tầm, phục dựng lời cổ, sáng tác lời mới và truyền dạy, năm 2018, Văn Sang được công nhận là Nghệ nhân Dân gian khi mới 31 tuổi - là nghệ nhân dân ca ví, giặm trẻ nhất của Hà Tĩnh đến thời điểm này.

Trong sự nghiệp biểu diễn của mình, Văn Sang đã giành nhiều thành tích cao tại các hội thi, liên hoan dân ca, hội diễn quần chúng khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Không dừng lại ở đó, Văn Sang luôn ấp ủ những dự định mới mẻ để lan tỏa ví, giặm Nghệ Tĩnh đến với đông đảo người dân, khán giả mọi miền. Từ năm 2017, anh bắt đầu tự bỏ kinh phí thu âm, phối khí, thực hiện các MV ví, giặm và đăng tải lên kênh Youtube “Văn Sang”.

Video: Nghệ nhân Văn Sang và ca sỹ Thanh Quý thể hiện tiết mục dân ca ví, giặm "Giận mà thương". Nguồn: Youtube Văn Sang.

Với chất giọng đặc biệt, lối diễn nhẹ nhàng, sâu lắng, những ca khúc của anh đã chinh phục khán giả xa gần. Đến nay, kênh Youtube này đã đạt gần 50.000 lượt theo dõi. Ngoài kênh Youtube, Văn Sang còn lan tỏa các tác phẩm dân ca ví, giặm trên các trang Facebook, Tiktok, Zalo…

Văn Sang chia sẻ: “Tôi nhận được rất nhiều chia sẻ yêu thương từ khán giả khắp các vùng miền. Có những người đã tìm đến và đề nghị tôi truyền dạy dân ca ví, giặm dù họ không phải là người Nghệ Tĩnh… Đó là sự động viên tinh thần, là động lực lớn để tôi tiếp tục cho ra đời nhiều sản phẩm âm nhạc, lan tỏa ví, giặm trên các nền tảng số”.

Anh đang lên kế hoạch mở một lớp học miễn phí và dạy hát ví, giặm online trên các kênh mạng xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu học, góp phần đưa ví, giặm đến gần hơn với người dân, đặc biệt là các bạn trẻ.

Cô Phan Thị Thùy Diễm - giáo viên Trường THCS Thành Mỹ (Nghi Xuân): Cần mẫn ươm mầm ví, giặm trên “miền đất hát”

c1.jpg
Cô giáo, Nghệ nhân Phan Thị Thùy Diễm.

Nhắc đến người trao truyền tình yêu, ngọn lửa đam mê với câu hò, điệu ví quê hương, nhiều thế hệ học trò ở Nghi Xuân luôn nhớ đến người giáo viên tận tâm và nhiệt tình - cô Phan Thị Thùy Diễm (SN 1986), giáo viên Trường THCS Thành Mỹ.

Sinh ra và lớn lên trên “miền đất hát” Nghi Xuân, từ nhỏ, cô đã bộc lộ năng khiếu văn nghệ. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm âm nhạc - Công tác đội (Trường Đại học Hà Tĩnh), cô Diễm về công tác tại một trường học ở huyện Hương Sơn. Từ năm 2012-2018, cô dạy học tại Trường Tiểu học Cương Gián; năm 2018 đến nay, cô là giáo viên bộ môn Âm nhạc và phụ trách công tác đội tại Trường THCS Thành Mỹ.

Tích cực thực hành biểu diễn dân ca ví, giặm tại các chương trình, cuộc thi cấp huyện, tỉnh và khu vực, năm 2018, cô vinh dự được công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Trong vai trò giáo viên âm nhạc, cô Phan Thị Thùy Diễm đã nỗ lực cùng các trường học đào tạo nhiều thế hệ học sinh thực hành dân ca ví, giặm.

“16 năm làm nghề giáo cũng là 16 năm tôi gắn bó với công tác truyền dạy dân ca ví, giặm cho học sinh. Tôi không nhớ đã truyền dạy cho bao nhiêu người, chỉ biết rằng, mình đã lan tỏa tình yêu ví, giặm đến thật nhiều bạn trẻ, trong đó, nhiều bạn đã mang ví, giặm đi thật xa, neo vào lòng người tứ xứ” - cô Diễm chia sẻ.

154d0005520t68905l0.jpg
Nghệ nhân Phan Thị Thùy Diễm trong trích đoạn dân ca ví, giặm “Kim - Kiều đoàn viên”, tại chương trình “Truyện Kiều với các loại hình nghệ thuật diễn xướng” - Tuần văn hóa Nguyễn Du năm 2023.

Từ năm 2018-2023, với vai trò giáo viên kiêm Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Trường THCS Thành Mỹ, mỗi năm, cô Diễm đã tổ chức hàng chục chương trình ngoại khóa về dân ca ví, giặm cho hàng trăm học sinh trong các trường học trên địa bàn huyện Nghi Xuân. Trong đó, hàng chục học sinh ở 2 xã Xuân Thành và Xuân Mỹ có thể hát thành thục và biểu diễn các làn điệu dân ca ví, giặm.

Nhiều năm qua, cô Diễm cũng là người tổ chức dàn dựng các chương trình dân ca ví, giặm cho nhà trường tham gia và giành giải cao tại các kỳ liên hoan tiếng hát học đường cấp huyện và toàn tỉnh. Cô Diễm cho biết: “Từ tình yêu, hiểu biết của mình về dân ca ví, giặm, tôi mong muốn góp sức trao truyền cho thế hệ trẻ những giá trị quý trong “kho báu” ông cha để lại, để di sản văn hóa quê hương ngày càng tỏa sáng”.

Chị Phạm Thị Huyền - nghệ danh Khánh Huyền (CLB Dân ca ví, giặm xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn): Luôn chỉn chu trong từng lời ca, câu hát

d1.jpg
Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Huyền.

Tại Liên hoan Dân ca ví, giặm liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023, ban giám khảo và hàng trăm khán giả đều lặng đi trước màn biểu diễn tiết mục “Giặm tương tư” của thí sinh Phạm Khánh Huyền (SN 1988) đến từ xã An Hòa Thịnh. Kết quả, tiết mục đã đạt giải A và người thể hiện bài giặm gây thổn thức đó cũng đã gieo tương tư cho thật nhiều người mê hát giặm.

Sinh ra ở huyện Cẩm Xuyên, từ nhỏ, chị Khánh Huyền đã đam mê và tham gia biểu diễn dân ca ví, giặm trong trường học. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nguyễn Du (nay là Trường Cao đẳng Nguyễn Du), chị về dạy học tại Trường THCS Nguyễn Khắc Viện (xã An Hòa Thịnh), lập gia đình và gắn bó với vùng quê miền sơn cước.

Tại đây, song song với công việc dạy học, Khánh Huyền còn tích cực tham gia phong trào văn nghệ địa phương. Khi phong trào tập luyện, hát dân ca ví, giặm phát triển, Khánh Huyền đã tham gia sinh hoạt tại CLB Dân ca ví, giặm xã An Hòa Thịnh. Không ngừng nỗ lực học hỏi và tập luyện, Khánh Huyền đã trở thành hạt nhân của CLB cũng như phong trào hát dân ca ví, giặm của huyện Hương Sơn, góp phần đưa phong trào lan tỏa trong cộng đồng. Năm 2020, chị đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cấp bằng chứng nhận là Nghệ nhân dân gian thực hành dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Thời gian qua, Khánh Huyền luôn tích cực tham gia biểu diễn ví, giặm tại nhiều chương trình, hội thi ở địa phương. Chị cũng là thành viên tiêu biểu của huyện Hương Sơn tham gia các kỳ liên hoan dân ca ví, giặm cấp tỉnh và khu vực. Với tài năng của mình, chị đã giành được nhiều giải thưởng cá nhân và góp vào thành tích chung của tập thể như: giải nhì Liên hoan Dân vũ và hát ru toàn tỉnh năm 2022, giải A Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh năm 2023…

Video: Trích tiết mục "Giặm tương tư" do Khánh Huyền biểu diễn tại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ -Tĩnh năm 2023.

Đặc biệt, với giọng hát truyền cảm, phong cách biểu diễn ấn tượng, chị Khánh Huyền đã giúp nhiều bài dân ca ví, giặm cổ lan tỏa mạnh mẽ, lay động cảm xúc khán giả. Chị Huyền chia sẻ: “Dù sân khấu lớn hay nhỏ, dù biểu diễn trước khán giả toàn quốc hay trước các em học sinh trong trường, tôi luôn cố gắng chỉn chu nhất trong từng lời ca, câu hát, bởi khi biểu diễn là lúc tôi dành tâm huyết của mình để lan tỏa hồn cốt của dân ca ví, giặm; lan tỏa tình yêu di sản văn hóa của quê hương đến khán giả”.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.