Cụ ông là Mai Tố (SN 1920), con trai cả của nguyên lão thành cách mạng Mai Kính - cán bộ Tỉnh ủy Hà Tĩnh năm 1930. Cụ bà là Trương Thị Hồng (SN 1922). Các cụ đều sinh ra và lớn lên trên đất làng đỏ, Phù Việt cũ (Thạch Hà).
Cụ Mai Tố và cụ Trương Thị Hồng
Tôi đến với 2 cụ trong một buổi chiều cuối đông nắng đẹp và biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) xôn xao tiếng sóng. Đón tôi, các cụ vui lắm. Gương mặt già nua nhăn nheo cứ tươi ngời lên với những câu hỏi chộn rộn hướng về quê nhà…
Qua câu chuyện, tôi biết cụ chuyển vào Đà Nẵng sống cùng vợ chồng con trai và các cháu. 2 cụ có 8 người con, 4 trai, 4 gái. Cô con gái út đang công tác tại một trường THPT trên địa bàn thành phố, còn lại đã nghỉ hưu theo chế độ của nhà nước.
Anh Mai Minh, người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm lo cho các cụ là một thương binh tuổi tròn 70. Anh cười nói với chúng tôi: “Năm nay, đại gia đình chúng tôi sễ tổ chức mừng thọ chẵn 100 tuổi cho cha mẹ và tuổi 70 cho tôi. Tôi làm chung để ké chút lộc phước của ông bà”.
Vợ anh, chị Cao Kim Quy người gốc Đà Nẵng, nhỏ bé và hiền lành. Vợ chồng 2 cụ, vợ chồng anh Minh, chị Quy sống cùng vợ chồng con trai Mai Cao Sơn và cháu trai vừa tròn 2 tuổi.
Khi được hỏi về chặng đường thế kỷ của 2 ông bà, cụ bà trải lòng: “Ông bà sống với nhau đã hơn 70 năm rồi. Ngày bà được gả cho ông, bà chưa hề biết mặt. Sáng hôm đó, bà đang đi cấy thì mẹ gọi về. Về nhà, mẹ đẩy bà vô trong buồng rồi thì thầm: “Vô thay đồ rồi mang nước ra, có người dạm hỏi con”. Bà buồn lắm vì bụng bà đã ưng người khác. Nhưng rồi theo tục lệ, bà lấy ông. Ông ham công tác đoàn thể, tham gia phục vụ kháng chiến, dạy bình dân học vụ. Hòa bình, ông về làm ở xã. Bà lo trọn việc nhà và chăm đàn con ăn học nên người”.
2 cụ sống vui vầy với con, cháu, chắt.
Anh Mai Minh là con thứ. Ông bà chọn sống cùng anh để các con an tâm về cha mẹ.
Đà Nẵng khí hậu tốt, là nơi trung tâm để con cháu Nam, Bắc tụ về. Hàng ngày, vợ chồng anh Minh, chị Quy lo cơm nước và sinh hoạt cho cả nhà. Riêng ăn uống và sinh hoạt, ông bà và cháu bé cùng chế độ (uống sữa, ăn nhẹ, ăn đủ chất và đồ ăn mềm). Mỗi năm, vào dịp tháng 7, anh chị đưa ông bà về thăm quê ít ngày rồi lại vào miền trong trốn nắng.
Nói về sức khỏe của 2 cụ, anh Mai Minh trầm giọng: "So với năm trước, năm nay 2 cụ ốm hơn. Cụ ông ít đi bộ quanh sân. Cụ bà bỏ trầu. Tuy vậy, đọc báo thì ông không bỏ. Ông ham đọc và thích đọc cho bà nghe. Rồi ông làm thơ, viết câu đối. Bà cũng làm thơ nhưng viết kém nên ông chép cho bà. Nhìn ông bà tình cảm quấn quýt thế, thương lắm! Chỉ mong trời đất Tổ tiên phù hộ cho ông bà mạnh khỏe!”
Nghe con trai tâm sự với tôi, bà cười: “Yên tâm, mình với cha ông còn khỏe lắm. Mai mốt nắng lên, bảo thằng cu Bin đưa 2 cố đi tắm biển”. Nghe cụ bà nói thế, cả nhà cười ran. Cụ ông cũng cười nhưng ý chừng nghe không rõ nên ánh mắt nửa cười nửa như hỏi có chuyện!
Tạm biệt ông bà và gia đình anh chị, chúng tôi ra về trong niềm vui và niềm xúc động khó diễn tả. Thời gian gặp gỡ ít thôi nhưng quả thật, các cụ đã tiếp thêm cho chúng tôi những năng lượng sống quý giá.