Giá vật liệu xây dựng và xăng dầu “neo” cao, CPI tháng 4 của Hà Tĩnh tăng

(Baohatinh.vn) - Giá vật liệu xây dựng và xăng dầu giữ ở mức cao đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Tĩnh tháng 4/2021 tăng 0,04% so với tháng trước. Qua đó, bình quân CPI 4 tháng đầu năm tăng 1,04% so với cùng kỳ 2020.

Giá vật liệu xây dựng như xi măng, sắt, thép... tại Hà Tĩnh đều đang duy trì ở mức cao.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 3 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm: nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,58%; giao thông tăng 0,67%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%.

6 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,82%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,53%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,09%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%.

4 nhóm không có biến động về chỉ số so với tháng trước, gồm: nhóm thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, bưu chính viễn thông, hàng hóa và dịch vụ khác.

Bảng đánh giá tốc độ tăng, giảm của các ngành hàng đến chỉ số CPI (Nguồn Cục Thống kê Hà Tĩnh).

Theo phân tích của Cục Thống kê tỉnh, CPI tháng 4 tiếp tục tăng so với tháng trước do các nguyên nhân chủ yếu như: thời tiết chuyển dần nắng nóng, nhu cầu về điện, nước sinh hoạt, đồ dùng gia đình, dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, thực phẩm tăng; giá nhiên liệu xăng dầu ở mức cao (tăng 19% so với đầu năm) ảnh hưởng đến chỉ số nhóm giao thông và chi phí trung gian các nhóm hàng hóa khác, tác động vào giá bán lẻ chung trên thị trường hàng hóa.

Cùng đó, theo xu thế của thị trường, giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh như: sắt, thép, xi măng phục vụ xây dựng cũng ở mức cao là một trong những nguyên nhân “đẩy” chỉ số CPI tăng.

Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự ổn định chung của thị trường toàn tỉnh.

Dự kiến, chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 5/2021 tăng mạnh so với tháng 4/2021. Nguyên nhân được xác định do bước vào thời điểm đầu mùa nắng nóng, nhu cầu đối với các mặt hàng điện lạnh, dịch vụ bảo dưỡng thiết bị điện lạnh, hàng may mặc, đồ uống, điện và nước sinh hoạt tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại nhiều địa phương chưa được khống chế nên đòi hỏi các cấp chính quyền và ngành chuyên môn thực hiện nhiều giải pháp để điều hành, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm…

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói