Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 87/2025/NĐ-CP quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024 vào ngày 11/4/2025 nêu rõ, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp được giảm 30% tiền thuê đất của năm ngoái. Dự kiến, sẽ có khoảng gần 30.000 doanh nghiệp và hộ gia đình được thụ hưởng chính sách giảm 30% tiền thuê đất. Cơ quan thuế sẽ nhận hồ sơ đề nghị cho đến hết ngày 31/7, trường hợp người sử dụng đất nộp hồ sơ sau thời hạn trên sẽ không còn được thụ hưởng chính sách này.
Từ năm 2020 - 2024 Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách từ gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế, tiền thuê đất đến miễn, giảm thuế với số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn từ các tác động bên trong lẫn bên ngoài.
Bộ Tài chính cho biết: Số tiền thuê đất, thuê mặt nước được giảm theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ của năm 2020 - 2023 là 2.890 tỷ đồng/năm, các năm 2021, 2022, 2023 trung bình là 3.734 tỷ đồng/năm. Qua đó, đã góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân trong việc tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để có thể sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng, khi thực hiện chính sách này năm 2023, có gần 30.000 đối tượng đã được thụ hưởng chính sách, với quy mô khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong số đó, có 23.487 doanh nghiệp, 6.247 hộ gia đình và cá nhân. Như vậy, chính sách này được bao phủ rộng khắp từ nhóm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa đến hộ gia đình, hộ kinh doanh và cá nhân.
Đối với năm 2024, dự kiến số tiền thuê đất giảm theo nghị định khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương số tiền thuê đất dự kiến giảm của năm 2023 với mức giảm 30% trên phạm vi cả nước) tương ứng với 0,26% tổng thu ngân sách nhà nước một năm và 9% số thu ngân sách nhà nước từ tiền thuê đất một năm (tính theo số liệu năm 2023).
Trao đổi với báo chí, ông Lê Đại Quảng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Supertex (Hà Nội) cho hay, miễn giảm thuế, gia hạn thuế cũng là một động lực lớn để nhà máy cố gắng phát huy, tận dụng các lợi thế để nâng cao năng suất và phục hồi sản xuất tốt hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm tiền thuê đất năm 2024 sẽ là động lực cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, không phải đi vay và trả lãi vay.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nhận định: Với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, với quy mô, doanh số, doanh thu hạn chế, thì việc giảm thuế, phí vô cùng quan trọng. Với chính sách này, giúp doanh nghiệp giảm chi phí cố định, bởi từ chi phí cố định, các doanh nghiệp có thể quay trở lại đầu tư các hoạt động sản xuất, đổi mới khoa học công nghệ, nguồn lực con người.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn từ các tác động bên trong lẫn bên ngoài, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành nhiều chính sách từ gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế, phí, tiền thuê đất đến miễn giảm thuế với số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đây là những chính sách được ban hành rất kịp thời và phù hợp.
Sau nhiều năm thực hiện, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế được đánh giá là giải pháp rất hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ tính riêng tiền thuê đất, đây là một khoản chi phí đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Hiện các cơ quan có liên quan đang triển khai các giải pháp hỗ trợ để các đối tượng ưu đãi được thụ hưởng chính sách.