Các bạn trẻ nhóm Thiện Tâm Hương Khê phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại BVĐK huyện.
Những vòng tay ấm
Sinh năm 1982, là mẹ của 2 đứa trẻ, lẽ ra, chị Nguyễn Thị Châu (thôn Mỹ Liên, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh) phải chăm lo cho những đứa con của mình nhưng ngược lại, chị phải nhờ cậy chúng.
Trong ngôi nhà nhỏ cũ kỹ không có gì đáng giá, chị nằm bất động trên giường, rơm rớm nước mắt: “Lấy chồng, sinh được 2 đứa con, những tưởng sẽ xây dựng được hạnh phúc. Ai ngờ… bất hạnh cứ dồn dập ập xuống. Bắt đầu từ một ngày tôi đi làm thuê trên rẫy, bị cây đè ngang người, liệt tủy. Tiếp đó, chồng lại bị tai nạn rồi mất. Khoảng thời gian ấy, tôi vô cùng tuyệt vọng. Vậy nhưng, được sự cưu mang của mọi người, mọi khó khăn cũng dần qua. Đến nay, bệnh tình chưa hồi phục, chưa thể lao động để nuôi con nhưng nhờ các nhà hảo tâm luôn giang rộng vòng tay nên mẹ con vẫn có thể chống chọi với cuộc sống, có tiền mua thuốc và cái ăn hàng ngày. Đặc biệt là 2 đứa nhỏ, hàng tháng, vẫn nhận được sự giúp đỡ đều đặn của những nhà hảo tâm “tiếp sức đến trường”. Nhờ vậy, tôi đã cảm thấy vững tin và cố gắng hơn trong cuộc chiến với bệnh tật”…
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng với những người yếu thế, họ đều có một điểm chung là khó có thể tự mình vươn lên khắc phục khó khăn nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng.
Trong căn nhà nhỏ mới xây, chị Nguyễn Thị Vịnh (tổ dân phố Tân Phú, thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên) ngồi bên một góc giường, tỏ vẻ hài lòng. Chị Vịnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị mù từ nhỏ, sống đơn thân. Năm nay, chị đã ngoài 50 tuổi. Niềm vui có nhà mới hiện rõ trên từng nét mặt của chị. Chị Trần Thị Mỹ - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thiên Cầm thay lời: “Từ nay, mưa gió không còn phải lo nữa. Nhà xuống cấp lâu rồi, nhưng sống đơn thân, lại bị mù nên chị cứ lặng lẽ mà chịu đựng”.
Hiểu rõ hoàn cảnh của chị Vịnh nên Hội LHPN huyện, thị trấn đã đứng ra vận động và tổ chức làm nhà giúp chị. Trong vòng 1 tháng, ngôi nhà đã hoàn thành trong niềm vui của mọi người. Đến nay, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng tỷ lệ người yếu thế trong cộng đồng khá cao và có xu hướng gia tăng.
Cùng với những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn trong cộng đồng không ngừng được phát huy. Đặc biệt là các hoạt động từ thiện hướng về người yếu thế ngày càng được quan tâm. Nhờ vậy, rất nhiều người yếu thế đã có được những ngôi nhà kiên cố để ở, có thêm điều kiện để chữa bệnh và chiến thắng bệnh tật. Và rất nhiều trẻ em được “tiếp sức đến trường”, hướng tới tương lai… trong vòng tay ấm của cộng đồng.
Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên bàn giao "Mái ấm tình thương" cho chị Nguyễn Thị Vịnh (tổ dân phố Tân Phú, thị trấn Thiên Cầm), là đối tượng đơn thân, khiếm thị. Tổng trị giá ngôi nhà 65 triệu đồng.
Còn nhiều trăn trở
Chị Phạm Thị Hiên - Chủ tịch Hội LHPN Cẩm Xuyên trăn trở: “Giúp phụ nữ yếu thế là nhiệm vụ thường xuyên và kịp thời của các cấp hội phụ nữ huyện nhà, trong đó, đặc biệt chú trọng đến đối tượng đơn thân, tàn tật, nuôi con nhỏ. Trước hết là giúp họ có nhà ở, an cư mới lạc nghiệp. Trong xây dựng NTM thì vận động chị em giúp họ cải tạo vườn, nâng cấp, sửa sang chuồng trại, công trình vệ sinh… Tuy nhiên, không bao giờ giúp hết được vì luôn phát sinh đối tượng. Hơn nữa, đã là người yếu thế, họ luôn yếu về mọi mặt, nhất là về nhận thức. Vì vậy, cho đến nay, cuộc sống của các đối tượng yếu thế sau khi đã có nhà ở vẫn còn là nỗi trăn trở…”.
Để giúp người yếu thế vươn lên, hệ thống trung tâm bảo trợ xã hội và các trung tâm dạy nghề, giải quyết việc làm (GQVL) cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng trong tổ chức dạy nghề và GQVL. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa đáng kể.
Ông Trần Quốc Dinh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và GQVL cho người khuyết tật, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam huyện Can Lộc chia sẻ: “Can Lộc có đến 3.800 người khuyết tật; trên 600 trẻ mồ côi và trên 4.000 người có công đưa vào danh sách người khuyết tật. Những chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho người yếu thế ngày càng được quan tâm nhưng cũng mới giúp được phần rất nhỏ. Ngân sách nhà nước chi cho hoạt động đào tạo nghề còn ít nên thường chỉ đào tạo ngắn hạn, hiệu quả chưa cao. Về các hoạt động hỗ trợ khác còn chủ yếu phụ thuộc các nhà tài trợ, do vậy mới mang tính chất động viên là chủ yếu chứ so với nhu cầu còn quá nhỏ”…
Người yếu thế vẫn còn rất nhiều thiệt thòi, nhất là trong học văn hóa (chưa có các lớp học chuyên biệt), phục hồi chức năng, tiếp cận các phúc lợi xã hội, các công trình văn hóa, hoạt động văn hóa, thể thao, tiếp cận thông tin, nhất là trong đào tạo nghề và GQVL... Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, rất cần những vòng tay của các tổ chức, cá nhân, các hoạt động hướng về cộng đồng, giúp người yếu thế vượt qua những rào cản, cải thiện cuộc sống.