Chuyện những giáo viên “đi sứ” ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Năm học 2019 - 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định giao chỉ tiêu biệt phái 55 giáo viên THPT và 56 giáo viên THCS giữa các huyện, thị trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là chủ trương đúng đắn góp phần giảm áp lực về thừa, thiếu giáo viên giữa các địa phương.

Giải bài toán thiếu giáo viên

Những năm qua, Trường THPT Hương Khê thiếu 7 giáo viên. Đáng nói, bộ môn Toán có 45 lớp nhưng chỉ có 11 giáo viên (thiếu 3 giáo viên). Năm học này, nhà trường được “chi viện” 2 giáo viên đến từ Nghi Xuân và Can Lộc, trong đó, môn Toán có 1 người.

Thầy Phan Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê cho biết: “Mặc dù số giáo viên biệt phái còn quá ít so với nhu cầu nhưng năm học này, 2 giáo viên được bổ sung cũng đã giảm được phần nào áp lực đối với giáo viên của trường về việc tăng giờ, tăng tiết”.

Chuyện những giáo viên “đi sứ” ở Hà Tĩnh

Giáo viên biệt phái đã góp phần mang đến luồng gió mới trong hoạt động dạy, học ở Trường THPT Hương Khê

Điều đáng ghi nhận trong việc thực hiện chủ trương biệt phái giáo viên năm học này là 56 giáo viên ở bậc THCS đều tình nguyện làm đơn ra đi để tăng cường lực lượng cho các xã vùng khó khăn ở các địa phương như huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh.

Thầy Nguyễn Hữu Sum - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh khẳng định: “Nếu không được bổ sung đội ngũ giáo viên biệt phái thì địa phương sẽ rất khó khăn trong việc duy trì, nâng cao chất lượng dạy và học bởi thiếu giáo viên quá nhiều. Đáng phấn khởi là những giáo viên biệt phái vào thị xã lần này đều là những người viết đơn tình nguyện. Họ đến không chỉ bằng trách nhiệm, nghĩa vụ mà bằng cả tấm lòng”.

Chuyện những giáo viên “đi sứ” ở Hà Tĩnh

Năm nay Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Kỳ Anh) cũng đón 5 giáo viên biệt phái về giảng dạy

Thị xã Kỳ Anh có 10 trường THCS thì thiếu đến 33 giáo viên. Trong đó, thiếu nhiều nhất là các bộ môn: Hóa, Sinh 12 giáo viên; tiếng Anh 6 giáo viên; Toán, Lý 8 giáo viên... Các giáo viên biệt phái dẫu chưa thể lấp đầy “khoảng trống” này nhưng cũng đã giảm được một phần áp lực tăng tiết cho các giáo viên sở tại.

Động lực nâng cao chất lượng giáo dục

Tại Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh), tình trạng thiếu giáo viên cơ bản được giải quyết khi năm học này, trường tiếp nhận 5 giáo viên biệt phái. Các giáo viên được bổ sung với năng lực và trách nhiệm của mình đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường.

Chuyện những giáo viên “đi sứ” ở Hà Tĩnh

Thầy Mai Phú Giang - giáo viên biệt phái ở Trường THPT Nguyễn Huệ là Tổ trưởng tổ bộ môn, giáo viên giỏi tỉnh môn Địa lý của Trường THPT Nguyễn Trung Thiên (Thạch Hà)

Thầy Phạm Hồng Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “5 giáo viên biệt phái năm học này đều có chuyên môn giỏi, trong đó, có giáo viên giỏi tỉnh, tổ trưởng, tổ phó các tổ chuyên môn tại các trường cũ. Về đây, họ tiếp tục được bố trí công việc và phát huy rất tốt năng lực, sở trường cá nhân”.

“Từ sự quan tâm của địa phương, nhà trường, đồng nghiệp, sự yêu mến, kính trọng của các em học sinh, chúng tôi luôn có cảm giác như từng gắn bó đã lâu ở mảnh đất này. Điều đó đã tiếp thêm niềm đam mê, động lực để chúng tôi phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - thầy Nguyễn Minh Khuê (Tổ trưởng tổ chuyên môn Sinh - Hóa Trường THCS Liên Hương - Vũ Quang) xúc động nói.

Chuyện những giáo viên “đi sứ” ở Hà Tĩnh

Ngoài việc giảng dạy, thầy Nguyễn Minh Khuê cũng tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi tại trường THCS Kỳ Phương

Trường THCS Kỳ Phương (TX Kỳ Anh) năm nay cũng có 7 giáo viên từ các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà về công tác. “Tiếp nhận các giáo viên biệt phái, trường quan tâm bố trí chỗ ăn ở, đi lại, sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt để họ có thể nghỉ 2 ngày/tuần và có thể về quê. Bằng nhiều nỗ lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các giáo viên biệt phái yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học”, thầy Trần Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Phương cho biết.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast