Hè này, Hà Linh là một trong những địa phương có nhiều hộ dân “khát” nước sạch nhất của huyện Hương Khê. Theo thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương, hiện trên địa bàn xã có khoảng 500 hộ đang thiếu nước sạch nghiêm trọng. Để có nước sinh hoạt, những hộ dân này phải đi mua, thậm chí phải lấy nước từ các ao hồ để sử dụng.
Nhiều giếng khơi tại các thôn 1,2,6,7,10, 11, 12 của xã Hà Linh đã trơ đáy.
Bà Tứ (thôn 11) chia sẻ: “Nắng nóng kéo dài đã nhiều tháng, giếng nước khơi khô cạn nên hiện nay gia đình tôi phải sống trong cảnh thiếu nước sạch. Hàng ngày, tôi phải đi cả km để mua nước uống, nấu ăn, còn tắm giặt đành phải sử dụng nước ao, hồ. Biết là không đảm bảo vệ sinh, thậm chí dễ gây các bệnh như viêm da, ghẻ lở, song cũng đành chịu, vì giếng đào thì đã cạn trơ đáy từ lâu, không dùng nước ao hồ, biết lấy nước ở đâu đâu ra, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ”.
Nhiều hộ dân đã phải sử dụng cả nước ao, hồ đục ngầu, không đảm bảo vệ sinh
Chị Nguyễn Thị Xoan (thôn 12) thở dài: “Nhiều tháng nay, gia đình tôi phải đi xin từng can nước uống từ các làng bên cạnh. Còn tắm giặt phải ra sông Ngàn Sâu hoặc xuống các ao hồ bơm nước về dùng.
Giếng nước bất đắc dĩ của bà Tứ (xóm 11)
Mục sở thị những hố nước đào ngay giữa ruộng mới thực sự thấm hết nỗi khổ của người dân nơi đây. Hồ nước bất đắc dĩ của bà Tứ (thôn 11) đục ngầu, nổi váng vàng như mỡ, được khoanh lại bằng mấy cây tre. Ngay bên cạnh là một “nhà tắm” dã chiến được dựng lên để phục vụ cho việc tắm giặt của cả nhà.
Để có nguồn nước sạch, người dân ở đây đã dùng nhiều cách khác nhau nhưng không hiệu quả.
Không chỉ bà Tứ, chị Xoan, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hà Linh cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Lãnh đạo xã Hà Linh cho biết, tính đến thời điểm này, trên địa bàn xã có khoảng 500/1.650 hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt.
Nguồn nước sinh hoạt của đa phần người dân Hà Linh chủ yếu là dùng nước giếng khơi, độ sâu chỉ tầm 4 đến 6 mét. Do nắng hạn kéo dài nên hiện nay, hầu hết các giếng nước này đã cạn trơ đáy. Để tìm nguồn nước sạch sinh hoạt, người dân Hà Linh đã dùng nhiều cách khác nhau như đào mới, cải tạo lại giếng cũ, đầu tư giếng khoan ... nhưng tất cả đều không hiệu quả.
Phó Bí thư Chi bộ (thôn 12) Nguyễn Văn Nho thông tin: "Hàng chục hộ trong xóm sau khi giếng đào hết nước đã bỏ ra cả chục triệu đồng thuê người về khoan nhiều khu vực trong vườn với chiều sâu 60 - 70m, nhưng vẫn không có nước. Vạn bất đắc dĩ, họ lại đành ngậm ngùi sử dụng nước sông, nước ao hồ".