Nhà máy Nước Phúc Giang được xây dựng với kinh phí 6 tỷ đồng nay đang trong tình trạng bỏ hoang
Nhà máy Nước Phúc Giang được khởi công năm 2009 và đi vào hoạt động năm 2012 với nhiệm vụ cung cấp nước cho khoảng 400 hộ với 2.000 người dân thuộc 4 thôn tại xã Vĩnh Lộc (Đại Bản, Phúc Giang, Thượng Triều và Hạ Triều).
Có nước sạch để sử dụng, người dân nơi đây ai cũng vui mừng vì không phải dùng nước mưa hứng từ mái nhà, nước giếng, ao hồ để sinh hoạt.
Tuy nhiên, đến năm 2018, nhà máy dừng hoạt động và bị bỏ hoang khiến mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Đáng nói, nhiều gia đình còn khốn đốn khi đã “lỡ” lấp hết ao hồ, giếng khoan vì nghĩ rằng sẽ không còn sử dụng đến.
Chị Nguyễn Thị Huế đang cố gắng tích trữ nhiều nước nhất có thể
Có mặt tại gia đình chị Nguyễn Thị Huế (thôn Hạ Triều), gần 10 chiếc xô, chậu các loại đã được chị bày ra sân để sẵn sàng đón trận mưa sắp đổ xuống. Chị Huế chia sẻ: “Cuộc sống người dân bây giờ chờ nước như "chết đuối vớ được cọc" vậy. Trời mưa thì có nước ăn, còn nắng nóng kéo dài thì… đành chịu trận”.
Chị Huế cho biết thêm, tình trạng này diễn ra hơn 1 năm nay, gia đình phải sống trong cảnh thiếu nước sạch trầm trọng, dù đã xây dựng bể chứa nước mưa nhưng không đủ, phải chắt chiu từng giọt.
Nắng nóng kéo dài, lượng nước trong hồ chứa nước của gia đình anh Phan Mạnh Chiến dần cạn
Không có nước sạch sử dụng, các hộ dân nơi đây phải sử dụng nguồn nước từ các giếng khoan, ao hồ trữ nước. Nguồn nước này bị nhiễm phèn, không thể dùng nấu ăn, sinh hoạt được.
Anh Phan Mạnh Chiến (thôn Đại Bản) cho biết: “Nước khi được bơm từ giếng lên rất trong, nhưng để sau một đêm sẽ ngả sang màu vàng đục, có lớp váng đóng trên bề mặt và bốc mùi tanh, phải lọc và sử dụng hóa chất khử phèn. Nước này không ăn được mà chỉ dùng để phục vụ sinh hoạt, tắm giặt… Nước ăn chỉ có thể trông chờ vào mưa”.
Nước giếng, ao hồ phải qua xử lý hóa chất mới có thể sử dụng phục vụ sinh hoạt
Lý giải về việc nhà máy nước ngừng hoạt động, chính quyền xã Vĩnh Lộc cho biết, trước đây, Nhà máy Nước Phúc Giang được giao cho một hợp tác xã quản lý. Trong quá trình hoạt động, do công tác bảo quản, quản lý không tốt, người dân lại chưa có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, gây lãng phí, tình trạng "trộm nước" xảy ra thường xuyên.
Lượng nước thất thoát ra quá lớn khiến hợp tác xã không thể duy trì hoạt động. Nhà máy sau đó được giao lại cho một cá nhân khác quản lý, nhưng chỉ hoạt động được thêm một thời gian, đến giữa năm 2018 thì dừng hẳn.
Sau thời gian “bỏ hoang”, nhiều máy móc của nhà máy đã bị hư hỏng, hệ thống đường ống bị vỡ, tắc nghẽn, hoen rỉ không còn sử dụng được.
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc Trần Xuân Hoài cho biết: “Vĩnh Lộc là xã thuần nông, nguồn thu thấp nên chưa có kinh phí đầu tư, sửa chữa nhà máy nước. Hiện, xã đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp tới đầu tư xây dựng lại, sớm đưa nguồn nước sạch về với bà con”.
Trong lúc chờ đợi nguồn nước sạch quay trở lại, 4/6 thôn tại xã Vĩnh Lộc, người dân vẫn phải sử dụng những nguồn nước không đảm bảo an toàn. Nắng nóng kéo dài, họ đang phải lo thêm về nguy cơ dịch bệnh.