Sau mưa, đồng ruộng được bổ sung nước hợp lý, trở thành điều kiện tốt nhất để bà con bón thúc đòng
Cứ chiều tà, khi mặt trời bắt đầu dịu nóng, bà Nguyễn Thị Linh (thôn Bắc Thượng, Thạch Đài, Thạch Hà) lại lỉnh kỉnh chở bì đạm ra đồng. Đây là lần bón thúc thứ 3 nhưng là kỳ quan trọng nhất đối với sự phát triển của cây lúa, thế nên bà rất cẩn trọng trong việc lựa chọn thời điểm bón. Bà Linh cho biết: “Nhà tôi làm 7 sào, cứ một ngày tôi chỉ bón khoảng 2- 3 sào, chọn thời điểm chiều mát, lúc đó không khí và nước trong ruộng cũng dịu nóng, lúa hấp thu tốt nhất lượng đạm nhận được”.
Cách đó không xa, chị Trần Thị Hà (Linh Tiến, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cũng lựa chọn thời điểm thích hợp để xuống đồng, vừa bón đạm, vừa làm cỏ bờ cho lúa. “Cứ lúc nào lúa chuyển sang tròn khóm, thân cứng, các lá đứng là “đon” bón thúc để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng ngay từ ban đầu cho cây lúa trong quá trình phân hóa đòng và nuôi đòng, tạo ra bông lúa to, nhiều hạt. Rất may, mấy ngày trước, khắp các vùng đều có mưa lớn, lại đến kỳ thúc đòng, rất có lợi cho cây lúa phát triển”.
Đây là kỳ bón thúc quan trọng nhất, quyết định năng suất vụ lúa xuân
Ở những nơi khô cạn, đã từng xảy ra hạn hán cục bộ vào thời điểm nắng nóng cực điểm hồi tháng 6 mới cảm nhận hết được giá trị của đợt mưa vừa qua. Tất cả cánh đồng cung cấp đủ nước, nuôi dưỡng cây lúa phục hồi trước khi đón đợt bón thúc quan trọng.
Ông Nguyễn Bỉnh Thành (Sơn Giang, Hương Sơn) cho biết: “Ở thời điểm cuối tháng 6, đồng đã nứt toác chân chim, lúa chậm phát triển. Trận mưa lớn vừa qua không chỉ thỏa cơn khát mà đồng ruộng có khoảng 10 ngày để hồi phục trước khi bước vào kỳ bón thúc. Nước đủ sẽ giúp cây lúa hấp thu trọn vẹn lượng dinh dưỡng này”.
Vào thời điểm này, chủ yếu bà con nông dân sử dụng hai loại phân bón đơn là đạm và kali. Tùy vào đặc thù của từng cánh đồng, bà con cân đối lượng phân bón để đảm bảo cây lúa phát triển và nuôi đòng tốt nhất, quyết định năng suất cuối vụ.
Nhiều cánh đồng đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, nông dân Thạch Hà tranh thủ phun phòng trừ sớm
Cũng trong thời gian này, bà con tranh thủ ra đồng làm cỏ cho lúa, vừa để sạch mặt ruộng, cũng là ngăn không cho cỏ “tranh” dinh dưỡng của lúa. “Cứ ít hôm tôi lại ra đồng làm cỏ bờ, dọn sạch ruộng, cũng là “cắt” trú ngụ của chuột và các loại sâu bệnh khác. Năm nay, sâu bệnh chưa xuất hiện nhưng chuột rất nhiều”, bà Bùi Thị Tứ (Vĩnh Lộc, Can Lộc ) cho hay.
Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn làm đòng cây lúa có nhu cầu rất cao, tuy nhiên, việc bón phân cần lượng vừa đủ, đảm bảo cung cấp các loại dưỡng chất như N, P, K.
Vừa bón thúc xong, một số bà con tranh thủ làm cỏ bờ cho lúa
Đồng thời, bổ sung thêm 1 số chất trung vi lượng như canxi, silic. Những chất này sẽ giúp cho lá lúa cứng, thẳng đứng, tăng cường khả năng chống chịu cho cây lúa trước sự tấn công của dịch bệnh.
“Điều quan trọng là xác định đúng thời điểm để việc bón phân đón đòng mang lại hiệu quả cao. Việc xác định đúng thời điểm bón phân đón đòng và bón vừa đủ sẽ giúp đảm bảo số hạt trên bông tốt nhất, cho bông to, cây lúa giữ được bộ lá xanh bền, số hạt chắc, hạn chế đổ ngã, và bùng phát của các loại dịch hại. Vào thời điểm sau thúc đòng, bà con cũng cần theo dõi thường xuyên sâu bệnh như: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ…”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà nhấn mạnh.