Đến xã Vũ Quang, vùng đất có hệ sinh thái đa dạng, du khách sẽ được thưởng thức nhiều sản vật quý của núi rừng, trong đó có mật ong. Phát huy lợi thế của địa bàn rừng núi, từ lâu, người dân Vũ Quang đã biết thuần hóa những đàn ong rừng đưa về nuôi và trở thành một nghề truyền thống của địa phương. Mật ong nơi đây nhờ đó đã nức tiếng gần xa.

Với quyết tâm “việc khó không nản”, sau thời gian tham gia quân ngũ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Sửu (thôn 4, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang cũ, nay thuộc xã Vũ Quang) trở về quê hương vừa tham gia công việc của thôn, của xã, vừa học cách nuôi ong để tận dụng lợi thế nhà gần rừng, bước đầu nuôi vài ba tổ, sau khi có kinh nghiệm từ chăm sóc đến cách thu hoạch lại tiếp tục tăng đàn lên. Đến nay, gia đình ông đã có hàng chục đàn ong, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Ông Sửu chia sẻ, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, chúng tôi được chuyên gia Canada về tập huấn kể cả cách lấy mật và thời gian lấy mật, độ lấy mật như thế nào để luôn đảm bảo chất lượng... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cho những người nuôi sau để nuôi ong lấy mật luôn đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Cũng như ông Sửu, ông Nguyễn Văn Dũng (TDP 3, thị trấn Vũ Quang cũ, nay thuộc xã Vũ Quang) sau khi nghỉ công tác ở hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại địa phương đã học cách nuôi ong lấy mật. Sau nhiều năm nuôi ong lấy mật, ông trở thành người giàu kinh nghiệm, tích cực truyền dạy kỹ thuật, hỗ trợ ong giống cho hàng trăm hộ dân khác để cùng vươn lên làm giàu.
Nói về mật ong quê nhà, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: "Mật ong quê tôi đậm đà hương vị núi rừng Vũ Quang. Đặc biệt, người nuôi đã nắm vững khoa học kỹ thuật nuôi ong nên lượng mật tiêu thụ rất dễ dàng".

Từ việc biết khai thác món quà ngọt ngào mà thiên nhiên ban tặng, nhiều người dân đã minh chứng tình yêu nghề, sự sáng tạo và khát vọng vươn xa. Nhiều mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Vũ Quang đã liên kết với cách nuôi theo tiêu chuẩn mới, giúp người dân phát triển quy mô, xây dựng hợp tác xã, làm nên sự khác biệt của sản phẩm mật ong riêng có giữa đại ngàn.
Toàn xã Vũ Quang hiện có hơn 800 hộ nuôi ong với trên 5.000 đàn. Sản phẩm mật ong Vũ Quang được tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà khắp cả nước, đưa lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ dân. Đó cũng là động lực để người nuôi ong tiếp tục nhân đàn và xây dựng các quy trình kỹ thuật để tạo ra những dòng mật chất lượng và thơm ngon nhất đến tay người tiêu dùng.

Điều đáng nói, từ chất lượng của sản phẩm này, mỗi năm tại xã Vũ Quang đã thu hút hàng trăm du khách đến xem, thưởng thức và mua sản phẩm về dùng, về làm quà tặng cho bạn bè và người thân...
Ông Tô Minh Hoài - Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Quang cho biết: "Để quảng bá sản phẩm cũng như kết nối thị trường tiêu thụ, trong những năm qua, Vũ Quang đã tập trung tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học - công nghệ, đồng thời tổ chức các diễn đàn để quảng bá thương hiệu. Nhờ vậy, đến nay, sản phẩm mật ong Vũ Quang đã khẳng định thương hiệu trên địa bàn trong tỉnh cũng như cả nước".
Thành quả từ sự cần mẫn, chịu khó của người nuôi ong là những cầu mật căng tràn, óng ả, sóng sánh, mang hương thơm ngọt ngào của đại ngàn. Ông Đặng Minh Song một khách hàng ngoại tỉnh đến trải nghiệm tại đây chia sẻ: "Mật ong Vũ Quang thực sự rất thơm, ngon, đậm đà hương vị núi rừng. Gia đình tôi rất tin dùng. Anh em bạn bè ở xa thường xuyên gửi tiền mua giúp mật ong nơi đây".
Mùa hè, đi dọc theo tuyến đường liên xã Vũ Quang, rất dễ bắt gặp từng đoàn du khách đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức mật ong. Ngoài thưởng thức sản phẩm, du khách còn được ngắm nhìn bức tranh quê bình yên, trù phú nơi miền sơn cước, trải nghiệm những khu vườn sinh thái lấp ló dưới những hàng cau, lũy tre làng và mướt mắt nhìn những hàng rào xanh tít tắp, điểm tô nên bức tranh quê Vũ Quang tươi đẹp, đáng sống.