Giới làm phim Việt than khổ vì thiếu phim trường

Các nhà làm phim Việt cho biết điện ảnh trong nước thiếu phim trường tầm cỡ, nhiều êkíp phải tốn chi phí dựng bối cảnh giả rồi phá bỏ.

Trong tọa đàm phát triển điện ảnh TP HCM, thuộc khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế lần thứ nhất của thành phố (HIFF) vừa qua, câu chuyện Việt Nam thiếu phim trường được nhiều nhà sản xuất quan tâm. Từng làm 15 phim điện ảnh, Mai Thu Huyền nói chị gặp khó khăn nhất khi tìm phim trường có quy mô lớn.

Mai Thu Huyền (phải) trong một lần khảo sát bối cảnh phim. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mai Thu Huyền (phải) trong một lần khảo sát bối cảnh phim. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những lần tham gia các sự kiện điện ảnh lớn trong và ngoài nước, chị thường nghe các nhà sản xuất than khổ với nhau vì Việt Nam có quá ít địa điểm quay phim tầm cỡ, diện tích hàng nghìn mét vuông trở lên. Khi quay Kiều - phim kinh phí 30 tỷ đồng, lấy cảm hứng từ tác phẩm của Nguyễn Du, Mai Thu Huyền cùng êkíp phải dựng lên một số bối cảnh tạm thời, sau đó phá bỏ, hoàn trả nguyên trạng cho địa phương lúc đóng máy. "Điều đó rất phí phạm, trong khi những phim trường tại Hollywood đang trở thành địa điểm tham quan, thu hút hàng nghìn khách", nhà sản xuất cho biết.

Theo Mai Thu Huyền, việc xây dựng sẵn phim trường có thể tiết kiệm phần lớn chi phí sản xuất điện ảnh, đặc biệt ở các thể loại hành động, cổ trang, lịch sử, đồng thời có thể tái đầu tư sử dụng. "Chúng tôi mong có sự hỗ trợ từ nhà nước bằng các chính sách, có thể là từ nguồn quỹ đặc biệt", chị nói.

Bối cảnh chợ nổi miền Tây trong "Đất rừng phương Nam" được giữ lại để phục vụ du khách. Ảnh: Thanh Huyền
Bối cảnh chợ nổi miền Tây trong "Đất rừng phương Nam" được giữ lại để phục vụ du khách. Ảnh: Thanh Huyền

Đồng quan điểm, Ngô Bích Hạnh - Phó chủ tịch BHD, đơn vị sản xuất phim trong nước - cho rằng phim trường là một trong những yếu tố giúp nhận diện một nền công nghiệp điện ảnh phát triển. Diễn viên Đỗ Hải Yến cho biết sau mỗi dự án thành công, bối cảnh phim được đông đảo khán giả quan tâm, từ đó tạo nguồn thu du lịch. Năm 2005,Chuyện của Pao - tác phẩm chị đóng chính, từng đoạt giải Cánh Diều Vàng - ra mắt, góp phần thu hút công chúng đến thăm khu thung lũng tam giác mạch của cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.

Năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - phim Victor Vũ chuyển thể truyện Nguyễn Nhật Ánh - tạo hiệu ứng du lịch cho vùng đất Phú Yên. Năm 2023, bối cảnh chợ nổi miền Tây đầu thế kỷ 20 trong Đất rừng phương Nam, quay tại khu rừng tràm Trà Sư (An Giang) cũng được giữ lại, thu hút đông đảo du khách. "Làm phim là một trong những cách hữu hiệu để quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người các nơi đến khán giả trong nước lẫn thế giới", Hải Yến cho biết.

Đại diện cơ quan quản lý, bà Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP HCM, đồng cảm với tâm tư các nhà làm phim. Đầu tháng 3, dự án Địa đạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, kể về nhóm du kích thời chiến của Sài Gòn, được bấm máy ở một phim trường ở Củ Chi (TP HCM). Giai đoạn đầu, đoàn làm phim gặp khó trong việc tái hiện giai đoạn lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ do phim cần nhiều bối cảnh. Nhờ cơ quan chức năng tạo điều kiện, phối hợp một số bên liên quan như Bộ Quốc phòng, êkíp đã bước vào giai đoạn nước rút sau hơn một tháng quay.

Việc xây dựng phim trường sẽ giúp các đoàn làm phim thuận lợi hơn, giúp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Gần đây, theo Nghị quyết 98, thành phố sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư trên lĩnh vực văn hóa. Cơ quan quản lý đã có lộ trình để kêu gọi đầu tư, bố trí quỹ đất ở một số nơi để xây dựng tổ hợp vui chơi, giải trí, phim trường, trong đó có bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh). "Chúng tôi xem đây là trách nhiệm của mình trong việc giúp đỡ các dự án có sự đóng góp thiết thực tới văn hóa thành phố", Thanh Thúy nói.

Theo bà Thúy, chính quyền TP HCM đang hoàn thiện quy chế mới nhằm hỗ trợ các đoàn làm phim, tạo thủ tục hành chính dễ dàng hơn khi quay ở các địa điểm công cộng, đặc biệt với những dự án giàu ý nghĩa lịch sử. "Tuy nhiên, các đoàn phim cần có kịch bản cụ thể để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền", bà nhấn mạnh.

Liên hoan phim TP HCM (HIFF) lần đầu được tổ chức, là một phần của chiến lược phát triển văn hóa, điện ảnh TP HCM. Trong hơn một tuần, sự kiện hướng tới tôn vinh điện ảnh cách mạng Việt Nam, đồng thời phát hiện, ươm mầm tài năng trẻ trong và ngoài nước. HIFF có ba hạng mục chính, gồm phim Đông Nam Á (quan trọng nhất), phim đầu tay và phim ngắn. Dịp này, HIFF cũng mở rộng cơ hội cho những người làm nghề điện ảnh trong nước giao lưu, học hỏi lẫn nhau qua các tọa đàm.

vnexpress.net

Đọc thêm

Ngắm 'tiên cảnh' có thật ở Giang Nam

Ngắm 'tiên cảnh' có thật ở Giang Nam

Với sự hỗ trợ của nhiều ứng dụng cùng việc chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng, tôi và gia đình đã có chuyến du lịch Trung Quốc tự túc trọn vẹn dù không biết tiếng Trung.
Tản văn: Thương mùa lúa chẽn đòng đòng

Tản văn: Thương mùa lúa chẽn đòng đòng

Chỉ mong thời tiết thuận hòa, để cây lúa mặc sức làm đòng, trổ bông và trĩu hạt. Để vụ mùa càng thêm bội thu. Để bố mẹ tôi cũng như bao người nông dân khác được vui trọn niềm vui thu hoạch mùa vàng.
Chị đẹp đạp gió rẽ sóng trở lại

Chị đẹp đạp gió rẽ sóng trở lại

Chương trình Chị đẹp đạp gió 2024 quy tụ 30 cái tên hoạt động ở lĩnh vực giải trí và nhiều ngành nghề khác, trong đó bao gồm 2 chị đẹp của mùa đầu tiên.
Nhớ mãi một buổi chiều tháng bảy…

Nhớ mãi một buổi chiều tháng bảy…

Tháng 7 hằng năm đã trở thành những ngày hẹn trở về của hàng ngàn người tại Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), nơi 10 cô gái TNXP và hàng trăm người con thân yêu đã ngã xuống, nơi tinh thần yêu nước của những người con trai, con gái lứa tuổi 20 đã làm nên khúc tráng ca bất tử.
Cảm động khúc dân ca xứ Nghệ: "Bác Trọng trong lòng dân"

Cảm động khúc dân ca xứ Nghệ: "Bác Trọng trong lòng dân"

Khúc dân ca xứ Nghệ "Bác Trọng trong lòng dân" do tác giả Mai Văn Lạng (Hà Nội) soạn lời, nghệ nhân dân gian Trần Văn Sang (Hà Tĩnh) thể hiện đã gây xúc động tới công chúng sau khi phát trên một số nền tảng mạng xã hội. Báo Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu.
Gió mỗi mùa vẫn thức

Gió mỗi mùa vẫn thức

Khoảnh khắc này sao lòng mỗi người lại thấy ngậm ngùi đến thế, tóc chú Tư và má đều chớm bạc, bao nhiêu năm tháng thanh xuân vĩnh viễn mất đi rồi...
Truyện ngắn: Gió mỗi mùa vẫn thức

Truyện ngắn: Gió mỗi mùa vẫn thức

Cậu Ba hy sinh, bà ngoại gắng gượng được ít lâu rồi về với đất. Má lẻ loi một mình đằng đẵng mấy chục năm như con cá lạc bầy mùa nước cạn, mỗi lần xóm ấp gọi má bằng cô Hai ai nấy đều không giấu được vẻ ngậm ngùi...
Cổ vật trên đồi Mô

Cổ vật trên đồi Mô

Ông kể cho Sơn nghe về những trận đánh, về những câu chuyện đời lính. Lớp người chiến đấu mà nay còn, mai mất, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng...