Giúp nông dân làm giàu bằng nhiều nghề

(Baohatinh.vn) - Với nhiều hoạt động thiết thực, Hội Nông dân huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) luôn bám sát các chủ trương, nghị quyết, sát cánh giúp người nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Lãnh đạo huyện Thạch Hà kiểm tra mô hình trồng dưa lưới ở xã Bắc Sơn

Anh Lê Đăng Hưng - Giám đốc HTX Hưng Thịnh (thôn Trung Tâm, Ngọc Sơn) là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ở Thạch Hà. Từ năm 2013 đến nay, HTX Hưng Thịnh do anh Hưng quản lý, điều hành đều có thu nhập ổn định từ việc phát triển các giống cây thanh long ruột đỏ, cam Ngọc Sơn kết hợp chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm quy mô lớn. Doanh thu hằng năm của HTX đạt từ 500 - 700 triệu đồng.

Hiện nay, HTX Hưng Thịnh đã nhân giống thanh long ruột đỏ lên tới 6.000 trụ. Đây cũng là địa chỉ tin cậy cung cấp cây giống, bao tiêu sản phẩm thanh long cho bà con nông dân trong và ngoài địa phương.

Anh Hưng cho biết, sự động viên, giúp đỡ của hội nông dân đã giúp anh có niềm tin, động lực để xây dựng HTX phát triển như ngày hôm nay.

Thanh long ruột đỏ - đối tượng cây trồng mới đang được nông dân Thạch Hà đầu tư phát triển

Chủ tịch Hội Nông dân Thạch Hà Dương Kim Hồng cho biết: Thời gian qua, các cấp hội đã định hướng, tư vấn các chính sách và cách tiếp cận chính sách để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập; xây dựng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KHKT cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Đồng thời, vận động hội viên thành lập hàng chục tổ hợp tác, HTX dịch vụ nông nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Sản xuất theo mô hình trồng rau, củ, quả chuyên canh đưa lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Tượng Sơn

Các cấp hội đã vận động hội viên quy hoạch, tổ chức sản xuất các vùng rau chuyên canh tại các xã Tượng Sơn, Thạch Văn, Thạch Liên, Bắc Sơn..., thu nhập bình quân từ 100-200 triệu đồng/ha; cải tạo hàng trăm vườn tạp cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/vườn/năm; sản xuất hoa, cây cảnh ở Bắc Sơn, Thạch Vĩnh... Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống như đan, đóng thuyền, sản xuất bún, bánh...

Phát triển nghề sản xuất bánh đa cho hiệu quả cao ở Việt Xuyên

Đặc biệt, vùng phía Tây Bắc Thạch Hà đã xây dựng các mô hình kinh tế trang trại; trồng cam, bưởi theo hướng VietGap gắn với xây dựng nhãn mác, thương hiệu cam Ngọc Sơn; du nhập giống mới như bưởi Phúc Trạch, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần nâng tổng số trang trại, gia trại do hội viên nông dân làm chủ trên toàn huyện lên con số 131, cho thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm.

Nông dân toàn huyện đã thành lập 203 tổ hợp tác, 77 HTX, 349 mô hình kinh tế trên các lĩnh vực.

Cam là cây kinh tế chủ lực ở các xã vùng Tây Bắc huyện Thạch Hà

Hội Nông dân Thạch Hà còn là hạt nhân tích cực trong phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. 5 năm lại nay, các cấp hội nông dân trên địa bàn đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên hiến trên 265.000 m2 đất; tham gia xây dựng 254 km đường giao thông nông thôn, 96,6 km kênh mương nội đồng.

Bên cạnh đó, hội viên nông dân đóng góp trên 47.000 ngày công giúp đỡ xây dựng 142 vườn mẫu, chỉnh trang trên 2.400 vườn hộ; tham gia xây dựng trên 26 km hàng rào xanh, trồng trên 3.600 cây bóng mát, giải tỏa trên 37 km hành lang lưới điện; quyên góp 153 triệu đồng, trên 20.000 ngày công giúp 102 hội viên nghèo xây dựng nhà ở.

Nông dân Thạch Hà tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Sự hỗ trợ của Hội Nông dân Thạch Hà đối với hội viên đã đưa lại hiệu quả rõ rệt. Từ chỗ có kinh tế, nông dân Thạch Hà đã và đang góp sức mình trong phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho bộ mặt làng quê nông thôn ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói