GS.TS Trần Văn Khê lo ngại những biến chất của đờn ca tài tử: “Nén bạc” đâm toạc cung đờn

GS.TS Trần Văn Khê nói đờn ca tài tử (ĐCTT) là một sinh hoạt văn hóa giải trí của người Việt ở miền Nam. Miền Bắc có ca Trù, miền Trung có ca Huế, còn miền Nam thì có ĐCTT. Nếu ca Trù quan trọng nhất là người ca nương, kế đó mới đến người đờn là phụ họa, ở ca Huế thì người ca là quan trọng còn người đờn cũng phụ họa, còn với ĐCTT ở miền Nam thì đờn quan trọng có khi còn hơn ca nữa.

Đã chơi, bất kể sang hèn!

GS.TS Trần Văn Khê nói rằng ở miền Nam có dân ca, rồi có nhạc lễ. Nhạc lễ trong Nam lại chia ra phe văn và phe võ. Phe võ thì đánh trống thổi kèn để lạy hay thắp hương… còn phe văn thì đánh đờn dây chỉ để người nghe giải trí chứ không phục vụ cúng tế. Dần sau đó phe văn, tức những người chơi đờn dây hiệp cùng với dân ca, nhạc lễ làm ra bộ môn mới để mà giải trí.

GS.TS Trần Văn Khê

“Đến cuối thế kỷ 19 thì ở miền Trung có phong trào Cần Vương khiến nhiều người phải bỏ vào trong Nam, trong đó có nhiều nhạc sĩ. Thành ra, những người đó mang đờn ca Huế dạy cho những người trong Nam. Nhưng có điều, người trong Nam học nhưng không đờn nguyên xi mà đờn theo cái thị hiếu, cái quan điểm thẩm mỹ trong Nam cho nó bay bướm, cho nó thay đổi, cho nó có ngẫu hứng nhiều hơn. Kể từ đó mới có một lối chơi đặc biệt trong miền Nam mà sau này được gọi là ĐCTT”- GS.TS Trần Văn Khê giải thích.

Thế nhưng, người tài tử không phải là người không chuyên nghiệp, bởi muốn nắm được ĐCTT cũng phải luyện tập công phu, cũng phải học đờn, nghe thầy dạy, rồi chơi đờn lấy kinh nghiệm, cũng phải mất nhiều thời gian luyện tập như câu nói “nghề chơi cũng lắm công phu” chứ không phải tự nhiên mà ai cũng biết rành ĐCTT.

Dẫu “lắm công phu” song ĐCTT lại có điều lạ là ai cũng chơi được. “Anh lái đò chơi cũng được, anh thợ hớt tóc chơi cũng được, anh chạy xe lôi chơi cũng được mà một ông thầy giáo hay ông đốc phủ chơi cũng được. Khi đã vô chơi ĐCTT rồi thì chức vụ, địa vị xã hội không còn quan trọng nữa, ai đờn giỏi thì được xem như ‘đàn anh’, còn những người khác là đàn em.

Vậy ĐCTT là cách chơi đặc biệt của người Việt ở miền Nam để giải trí và thỏa mãn nhu cầu sáng tạo nghệ thuật. Điểm đặc biệt là người miền Nam học thì học cái cốt lõi, gọi là lòng bản, nhưng khi chơi ĐCTT thì không theo sát lòng bản mà phải dùng cách biến tấu làm cho giai điệu và tiết tấu phong phú hơn, những người chỉ trình diễn lòng bản sẽ bị cho là thiếu óc sáng tạo. Như vậy nét đặc biệt của ĐCTT là học chân phương, nhưng đờn hoa lá, nghĩa là thêm hoa, thêm lá vô một cách ngẫu hứng, tức là sáng tác trong khi biểu diễn” - GS.TS Trần Văn Khê nói.

Hay ở sự ngẫu hứng

Vị GS.TS cũng là thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO nói thêm: “Ngoài ra, còn có sự không tính trước, không có bài bản chép bắt buộc phải đờn y như vậy, nhưng khi đờn thì người chơi phải làm cho những cây đờn nó ăn với nhau, thì gọi là cách phối khí tập thể tại chỗ, đó cũng chính là sự sáng tạo.

Vì vậy, ĐCTT được người ta thích vì trong khi chơi, có thể mình đờn chung với người bạn mà hứng khởi thì mình đờn rất hay, rồi đờn có khi ‘buông bắt’, nghĩa là mình đánh một câu đờn chọc người kia, rồi người kia đờn trả lại một câu, rồi có khi nghỉ không đờn để người khác đờn rồi mình đờn chạy theo… Bởi vậy, trong ĐCTT, lòng bản không thay đổi, nhưng phát triển giai điệu thì ngẫu hứng”.

ĐCTT còn có điểm đặc biệt là trước khi đờn luôn luôn có câu rao, khác với câu dạo của miền Trung. Dạo của miền Trung là một câu mở đầu mà thầy dạy sao thì đờn y như vậy, còn câu rao ở miền Nam là thầy dạy để mình lúc đầu theo câu của thầy dạy, nhưng khi có được tay nghề có thể tự mình sáng tạo cho phù hợp với mình, đem cái tôi đưa vào cái ta, đó chính là cái thú vị của ĐCTT.

“Câu rao trong ĐCTT còn khiến người nghe biết được mức độ của người chơi đờn cao được bao nhiêu và người nghe câu rao được dẫn lần vô trong điệu thức. Câu rao đó cũng thể hiện được cá tính của người chơi đờn, người thì có nét mộc mạc, người lại rất bay bướm, hay có nét khoan thai hoặc hấp tấp… Câu rao trong ĐCTT ở miền Nam rất phong phú, đa dạng, đầy tính sáng tạo và hấp dẫn, có khi nghe câu rao còn thích hơn nghe bản đờn. Có những câu rao làm xoáy tim người nghe, cũng có khi được khen như: “Trời đất ơi, cách anh nhấn chữ đó khi rao khiến tôi nghe mà “nhức xương” quá” – GS.TS Trần Văn Khê nhấn mạnh.

Lo vì những biến thái bạc tiền

GS.TS Trần Văn Khê còn chỉ rõ nguy cơ khiến loại hình nghệ thuật vừa được phong tặng Di sản Văn hóa phi vật thể có thể biến chất: “Trong thời gian chiến tranh, ĐCTT cũng bị lu mờ. Hết chiến tranh thì người ta cũng phải lo chuyện buôn bán kiếm tiền nên nghệ thuật ít được để ý”.

Gần đây có phong trào muốn phục hưng nghệ thuật truyền thống mới lập ra các câu lạc bộ ĐCTT. Đó là những người thích ĐCTT hợp lại để học đờn, để biểu diễn đờn chung với nhau. Thế nhưng bây giờ trong môi trường sống không có thời giờ ngồi nghe đầy đủ như ngày xưa, không còn đủ thời gian để nghiền ngẫm nữa. Người ngồi đờn cũng không còn tính cách tài tử như hồi xưa chơi với nhau, mà chỉ là đờn cho đúng câu, đúng điệu, đúng nhịp, để rồi xong bản đờn thì nhận thù lao mà về.

“Hiện nay ĐCTT còn bị du lịch hóa nữa, tức là đờn trong vòng 10-20 phút cho khách du lịch nghe, mà khách du lịch là những người vốn đã không biết đờn nên chỉ nghe trong thời gian ngắn đó làm sao lĩnh hội được, ai cắt nghĩa được cái độc đáo của ĐCTT. Thật ra khách du lịch chỉ nghe để thỏa tò mò, để biết cái lạ, nên người đờn đâu có cần đờn cho hay, cho thiệt hay mà chỉ là đờn cho xong việc mà thôi. Vì vậy, cuộc sống thời nay đã tạo ra rất nhiều nhóm ĐCTT, tức là số lượng người đờn có thể cao nhưng chất lượng bản đờn bị xuống thấp. Chính sự biến chất này khiến nghệ thuật ĐCTT dần bị xuống dốc” – ông nhấn mạnh.


.

Theo Giadinh.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói