Các hoạt động xúc tiến đầu tư được Hà Tĩnh tích cực triển khai trong nhiều năm nay. (Trong ảnh: Lãnh đạo Bộ Công thương, tỉnh Hà Tĩnh chứng kiến Công ty CP Hóa chất Công nghiệp miền Trung và BQL các khu kinh tế tỉnh ký kết thoả thuận hợp tác đầu tư xây dựng khu bồn hóa dầu, hóa chất cơ bản tại KKT Vũng Áng và cung cấp các loại hóa chất cho Công ty FHS, với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng).
Năm 2018, Hà Tĩnh ghi dấu ấn trên bản đồ PCI cả nước khi vượt 10 bậc, trong đó có 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm. Theo đánh giá tổng thể, bức tranh PCI 2018 có nhiều khởi sắc với những cải thiện đáng kể so với trước đây. Hà Tĩnh là một trong những điển hình cho sự cải thiện đó khi có một sự “bứt phá” đáng ghi nhận.
Theo kết quả vừa công bố, Hà Tĩnh là một trong số những địa phương có đà tăng mạnh mẽ nhất. Tính từ năm 2015 đến 2018, Hà Tĩnh đã tăng đến 22 bậc và vươn lên vị trí 23, đứng cùng với các tỉnh thành khác trong nhóm khá của cả nước như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng…
Chỉ số PCI 2018 của Hà Tĩnh nằm ở nhóm khá của cả nước.
Chia sẻ về kết quả chỉ số PCI 2018 của Hà Tĩnh, ông Hoàng Trung Thông – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, phấn khởi: “Đây là bộ chỉ số đánh giá về chất lượng điều hành cấp tỉnh dưới góc nhìn của doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, khi chỉ số PCI được đánh giá cao sẽ giúp Hà Tĩnh “ghi điểm” với các nhà đầu tư khi họ tham khảo, lựa chọn địa điểm "rót" vốn. Hơn nữa, chỉ số PCI cải thiện qua các năm, đặc biệt là 2018, đã cho thấy sự ghi nhận, quan tâm của chính quyền Hà Tĩnh trong việc tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường đầu tư thuận lợi…”
Theo đánh giá của đơn vị chuyên môn, PCI 2018 cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng có các xu hướng nổi bật đáng mừng như môi trường kinh doanh trở nên bình đẳng hơn; cải cách hành chính tiếp tục có bước chuyển biến; việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm; chất lượng cơ sở hạ tầng được cải thiện…
Cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã nhìn nhận, ý thức được tầm quan trọng trong việc cải thiện chỉ số PCI khi xem đây là một kênh dữ liệu khách quan để chính quyền xem xét, nhìn nhận môi trường kinh doanh của mình hiện đang còn những yếu kém gì cần phải khắc phục.
Minh chứng là Hà Tĩnh đã và đang tập trung xây dựng kế hoạch về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động và xem cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong các kế hoạch phát triển.
Phân tích kết quả cụ thể về PCI 2018 của Hà Tĩnh cho thấy, nhiều tiêu chí thành phần có mức tăng điểm khá. Đó là gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, thiết chế pháp lý… Đặc biệt, chi phí không chính thức đã có sự cải thiện từ 4,76 điểm năm 2017 lên 5,36 điểm năm 2018.
Hà Tĩnh đang thu hút các dự án năng lượng xanh (Trong ảnh: Dự án năng lượng mặt trời do Tập đoàn Hoành Sơn đầu tư tại Cẩm Xuyên).
Tuy vậy, bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh Hà Tĩnh vẫn còn nhiều “lực cản” ảnh hưởng đến sự phát triển. Mặc dù chỉ số PCI của tỉnh có cải thiện nhưng nhiều vấn đề vẫn có mức độ cải thiện chưa cao.
Theo đó, các “điểm nghẽn” có thể kể đến như chi phí không chính thức giảm nhưng còn ở mức cao; việc gia nhập thị trường còn nhiều khó khăn; thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn, giải thể và các giấy tờ quy định khác; thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải…
Để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, khắc phục những “điểm nghẽn”, phát huy các dư địa đầu tư đang có thể khai thác, Hà Tĩnh cần tiếp tục quyết liệt, mạnh mẽ hơn bằng các giải pháp cụ thể, đúng địa chỉ. Hy vọng, nối tiếp đà tăng trưởng, bảng xếp hạng PCI của tỉnh sắp tới sẽ không nằm ở con số 23 mà phải thấp hơn nhiều.