Tham dự hội nghị có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga; đại diện các cơ quan của Quốc hội và đại diện thường trực, lãnh đạo các ban HĐND, Văn phòng HĐND các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Đoàn Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y làm Trưởng đoàn.
Tại hội nghị, thường trực HĐND các tỉnh tập trung chia sẻ những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn và đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuẩn bị, thẩm tra; trình tự tiến hành kỳ họp và chủ tọa kỳ họp; việc tăng cường số lượng kỳ họp bất thường.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nữ Y: Kinh nghiệm của HĐND tỉnh Hà Tĩnh là cần làm tốt những nhóm công việc như: xác định nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp; chủ động, trực tiếp phối hợp với các cơ quan để góp ý hoàn thiện nội dung dự thảo nhằm làm tốt công tác chuẩn bị tài liệu trình kỳ họp...
Tham gia thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nữ Y cho rằng: Việc trao đổi kinh nghiệm hoạt động và giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh là nội dung quan trọng, cần thiết, nhằm trao đổi những kinh nghiệm hay, đưa ra những giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh, việc tổ chức các kỳ họp bất thường hiện nay gặp một số khó khăn như: Thời gian từ khi quyết định đến khi tổ chức kỳ họp thường ngắn; các dự thảo nghị quyết chưa tuân thủ chặt chẽ trình tự, việc lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động không có nhiều quỹ thời gian theo quy định, tài liệu gửi đến đại biểu chậm…
Do đó, kinh nghiệm của HĐND tỉnh Hà Tĩnh là cần làm tốt những nhóm công việc như: xác định nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp; chủ động, trực tiếp phối hợp với các cơ quan để góp ý hoàn thiện nội dung dự thảo nhằm làm tốt công tác chuẩn bị tài liệu trình kỳ họp; việc điều hành kỳ họp của chủ tọa cần phải linh hoạt, khoa học, trong đó lưu ý đến những ý kiến còn khác nhau, hướng nghị trường tập trung vào trọng tâm của vấn đề, quyết định những chủ trương, định hướng phù hợp với điều kiện thực tế khách quan.
Ngoài quyền phát biểu của đại biểu, thường trực HĐND tỉnh có thể phân công, “đặt hàng” từng đại biểu hoặc tổ đại biểu nghiên cứu chuyên sâu về các nội dung chuyên đề để khi vào kỳ họp, phần thảo luận nội dung chuyên đề có nhiều ý kiến hơn…
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tham gia góp ý hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND, trong đó xem xét một số vấn đề mới như: Việc thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp và giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; những điểm chưa phù hợp đối với chủ trương giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện và tăng số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã loại II; việc thành lập tổ đại biểu HĐND cấp xã; những điểm chưa phù hợp trong mô hình bộ máy giúp việc cho HĐND.
Bên cạnh đó là những vấn đề đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhưng chưa phù hợp như cơ cấu, thường trực HĐND cấp xã, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chủ tịch, phó chủ tịch HĐND để đồng bộ với quy định về phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của chủ tịch UBND; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của thường trực HĐND...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao hiệu quả các kỳ họp bất thường của HĐND các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ thời gian qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND các tỉnh cần xác định nội dung và thời gian tổ chức các kỳ họp bất thường; xem xét thấu đáo những nội dung cần thiết, cấp bách để đáp ứng kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương.
Công tác xây dựng kế hoạch phải đảm bảo khoa học, sát thực tế, có tính dự báo cao để chủ động xây dựng các phương án giải quyết vấn đề. Thường trực HĐND cần chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để sớm thống nhất nội dung, chương trình, thời gian; phân công các cơ quan chuẩn bị nội dung kỳ họp; chuẩn bị và gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu...
Thường xuyên đổi mới công tác tổ chức, điều hành của chủ tọa và sự tham gia của đại biểu tại kỳ họp bất thường; thực hiện tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau mỗi kỳ họp bất thường; tiếp tục nâng cao chất lượng bộ máy tham mưu giúp việc cho HĐND; quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động…
Kết thúc hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình đã bàn giao việc tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 7 cho tỉnh Quảng Trị
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công 7 kỳ họp thường lệ, ban hành 141 nghị quyết; 4 kỳ họp bất thường, ban hành 23 nghị quyết, trong đó, năm 2016: tổ chức 01 kỳ họp bất thường, ban hành 10 nghị quyết; năm 2017: tổ chức 01 kỳ họp bất thường, ban hành 01 nghị quyết; năm 2019: tổ chức 02 kỳ họp bất thường, ban hành 12 nghị quyết. |