Lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.
Theo đánh giá của ngành chức năng, thị trường hàng hóa trong nửa đầu năm 2022 trên địa bàn không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, không xuất hiện các điểm nóng về an toàn thực phẩm, hàng giả... Tuy nhiên, vẫn xuất hiện các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng lậu, hàng không có hóa đơn chứng từ, giả mạo nhãn hiệu…
Điển hình như ngày 7/3, Đội QLTT số 6 phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm Công nghệ cao đã phát hiện đối tượng Nguyễn Đình Sơn (xã Thạch Trị, Thạch Hà) buôn bán 38 hộp Kit Test COVID-19 (25 bộ/hộp) là hàng nhập lậu. Cục QLTT đã xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng, tiêu hủy số lượng hàng hóa trên có giá trị 47,5 triệu đồng.
Đội QLTT số 6 cùng với Phòng CSGT- Công an tỉnh bắt giữ xe chở 2 tấn đường nhập lậu vào tháng 2/2022.
Hay như tháng 2/2022, Đội QLTT số 6 phối hợp với Phòng CSGT- Công an tỉnh cũng đã phát hiện xe ô tô tải kiểm soát 74C-063.05 do ông Nguyễn Viết Tuấn (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) điều khiển, vận chuyển 2 tấn đường tinh luyện nhập lậu. Số hàng hóa này do ông Tuấn mua gom trôi nổi trên thị trường sau đó vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc nhắm bán kiếm lời. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 16 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa trị giá 24 triệu đồng.
Phó Cục trưởng Cục QLTT Nguyễn Đình Khoa cho biết: “Duy trì liên tục hoạt động kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, 6 tháng đầu năm, đơn vị đã xử lý 375 vụ vi phạm với tổng tiền phạt, tịch thu, tiêu hủy là gần 950 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, không hóa đơn, chứng từ, vi phạm về an toàn thực phẩm, niêm yết giá…”.
Thị trường Hà Tĩnh nửa đầu năm 2022 cơ bản ổn định, hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Được biết, thời gian qua, Cục QLTT đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tích cực nắm bắt tình hình hoạt động mua bán trên địa bàn, triển khai các biện pháp ổn định thị trường, đảm bảo hàng hóa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngoài công tác kiểm tra thường xuyên, đơn vị còn tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, tuyên truyền, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, kinh doanh khí gas, xăng dầu, vật tư nông nghiệp...
Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, ngành du lịch được phục hồi nên hoạt động kinh doanh sôi động trở lại, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, đảm bảo mùa du lịch lành mạnh, an toàn, bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng lợi dụng mùa du lịch để “chặt chém” du khách.
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Lộc Hà phối hợp lực lượng QLTT kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, đảm bảo mùa du lịch lành mạnh, an toàn.
Cùng với hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm, công tác giải quyết phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ cũng được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện.
Ông Trần Hữu Hạnh – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, hội đã tiếp nhận, tư vấn, hướng dẫn và giải quyết thành công 89 vụ việc liên quan đến bảo hành hàng hóa, giá cả, mua hàng online, mua hàng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, hủy hợp đồng giao dịch mua bán không đúng quy định… Ngoài ra, các hoạt động phát tờ rơi tuyên truyền quyền và nghĩa vụ người tiêu dùng, thành lập đoàn khảo sát hàng hóa, lấy mẫu test nhanh thực phẩm… cũng được thực hiện có hiệu quả”.
Từ đầu năm tới nay, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã phát 20.000 tờ rơi tuyên truyền quyền và nghĩa vụ người tiêu dùng.
Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, hiện nay, với sự phát triển của thương mại điện tử, xu hướng mua hàng online ngày càng tăng. Các vi phạm trên môi trường này diễn ra với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong khi nhiều người tiêu dùng còn tâm lý e ngại kiến nghị, phản ánh, khiếu nại tới cơ quan chức năng khi quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại.
Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen, nhận thức trong mua sắm, tiêu dùng, chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm và kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng khi phát hiện vi phạm để góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh.