Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển cùng các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy Hải Dương đón tiếp, làm việc với đoàn lãnh đạo Hà Tĩnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh đã thông tin cho nhau một cách khái quát tình hình kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh. Theo đó, đối với Hải Dương, nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu hút đầu tư, cải cách hành chính nên tình hình kinh tế - xã hội đã có những bước phát triển vượt bậc.
Đến nay, Hải Dương có 10 KCN, hơn 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư với tổng vốn ước đạt trên 10 tỷ USD. Thu ngân sách năm 2018 của tỉnh đạt trên 17.000 tỷ đồng, an sinh xã hội được đảm bảo. Hải Dương hiện đã có 200 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 80% số xã, có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Hải Dương đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện nội dung Nghị quyết Trung ương 4 và Trung ương 6 (khóa XII), bước đầu đạt những kết quả quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn (bên trái) chia sẻ một số mô hình, cách làm hiệu quả của Hà Tĩnh trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chúc mừng những kết quả to lớn trong phát triển KT-XH, xây dựng Đảng mà Hải Dương đạt được trong thời gian qua, đồng thời thông tin khái quát tình hình KT- XH của Hà Tĩnh trong năm 2018.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, nhất là phát triển công nghiệp sản xuất của Hải Dương là kinh nghiệm quý cho Hà Tĩnh học hỏi, áp dụng phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Lãnh đạo Hà Tĩnh tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo Hải Dương
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng chia sẻ với Hải Dương một số mô hình, cách làm hiệu quả của Hà Tĩnh trong thực hiện sắp xếp, tinh giản bộ máy nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng các thành viên đoàn công tác Hà Tĩnh trực tiếp tham quan xưởng sản xuất và các sản phẩm của làng gốm Chu Đậu.
Tiếp đó, đoàn công tác đã đi tham quan làng sản xuất gốm Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách). Đây là làng nghề có truyền thống sản xuất gốm lâu đời, nổi tiếng của Hải Dương và cả nước. Hiện nay, làng nghề là nơi giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động, các sản phẩm ngoài tiêu thụ trong nước còn có tới 30% xuất khẩu các thị trường ngoài nước. Doanh thu hàng năm đạt trên 100 tỷ đồng.