Hà Tĩnh hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao

(Baohatinh.vn) - Việc thí điểm chuyển giao công nghệ cao, nhất là ứng dụng các thiết bị công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh đang giúp nhiều nông dân, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, mang lại thu nhập cao.

Hà Tĩnh hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao

HTX An Tâm Farm (xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân) mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông minh để tự động hóa các khâu chăm sóc cây trồng.

Sau khi xây dựng nhà màng, sản xuất các loại cây rau, quả cho hiệu quả kinh tế cao, HTX An Tâm Farm (xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân) tiếp tục mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông minh để tự động hóa các khâu chăm sóc cây trồng. Ông Vũ Thành Tâm - Giám đốc HTX An Tâm Farm chia sẻ, trước đây, chúng tôi trồng rau thủy canh theo phương pháp thủ công, công nhân phải trực tiếp pha, tưới chất dinh dưỡng nên tốn công chăm sóc. Qua nghe giới thiệu, chúng tôi mạnh dạn phối hợp thử nghiệm triển khai dự án sử dụng công nghệ IoT vào sản xuất.

Đây là dự án do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ (Nghệ An) triển khai trên nền tảng internet kết nối vạn vật (gọi tắt là IoT) theo đơn đặt hàng của Sở KH&CN Hà Tĩnh. Dự án ứng dụng nhiều hệ thống công nghệ thông minh như: hệ thống thuỷ canh, tưới nhỏ giọt công nghệ Isarel, quạt đối lưu không khí, phun sương trong nhà, tưới mái, các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm...

Hà Tĩnh hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao

Trên diện tích 2.000 m2 nhà màng, mỗi tháng HTX An Tâm thu lợi nhuận khoảng 40 - 50 triệu đồng.

Giám đốc HTX An Tâm Farm phấn khởi nói thêm, với công nghệ mới này, mọi thứ được tự động hoá, HTX có thể điều chỉnh, giám sát lượng phân, nước tưới, theo dõi cây trồng qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Nhờ chất lượng và an toàn, hiện tại, toàn bộ sản phẩm rau, quả từ mô hình đều được kết nối tiêu thụ thuận lợi. Trên diện tích 2.000 m2 nhà màng, mỗi tháng HTX thu lợi nhuận khoảng 40 - 50 triệu đồng.

Hà Tĩnh hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao

HTX Nấm bào ngư Hải Yến đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua máy móc để tự sản xuất phôi nấm.

Trong khi đó, tại xã Hương Bình, huyện Hương Khê, HTX Nấm bào ngư Hải Yến do chị Nguyễn Thị Hải Yến làm Giám đốc điều hành khá nổi tiếng với những sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có chất lượng tốt.

Sinh năm 1991, chị Yến là cử nhân Đại học Nông lâm Huế với chuyên ngành công nghệ thực phẩm. Năm 2015, chị quyết tâm khởi nghiệp với mô hình trồng nấm trên mảnh đất quê hương. Ban đầu, chị Yến trồng nấm bằng hình thức ủ rơm thủ công truyền thống. Mặc dù thời điểm đó, chị và các tổ viên trong tổ hợp tác đã mạnh dạn chuyển đổi phương pháp trồng nấm ủ rơm sang phương pháp hấp phôi nguyên liệu bằng lò thủ công. Tuy nhiên, lò hấp thủ công chỉ đáp ứng quy mô hộ gia đình, sản phẩm đầu ra không đồng đều về năng suất, chất lượng.

Hà Tĩnh hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao

HTX cũng mạnh dạn du nhập, thử nghiệm nhiều giống mới vào sản xuất. Trong ảnh: nấm hồng ngọc.

Chị Yến kể lại, từ những kiến thức được học và kinh nghiệm thực tiễn, tôi hiểu rằng làm nông nghiệp cần phải ứng dụng khoa học - công nghệ mới có thể tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều. Do đó, chúng tôi mạnh dạn vay mượn 1 tỷ đồng đầu tư máy móc, thiết bị, trong đó, quan trọng nhất là đầu tư lò hấp hiện đại và xây dựng nhà xưởng để sản xuất phôi nấm. Cùng với đó, chúng tôi được Trung tâm Nghiên cứu phát triển nấm và Tài nguyên sinh vật (Sở KH&CN tỉnh) chuyển giao về công nghệ và kỹ thuật. Lò hấp công nghệ mới không chỉ tiết kiệm nhân công mà còn cho sản lượng lớn, có khả năng khử trùng phôi nấm. Nhờ đó, không chỉ phục vụ sản xuất mà HTX còn cung ứng bịch phôi nấm chất lượng cao cho các gia đình khác trên địa bàn.

Từ bước phát triển này, tổ hợp tác cũng chuyển đổi thành HTX Nấm bào ngư Hải Yến với 12 thành viên. Đầu tư thiết bị, kỹ thuật, HTX cũng mạnh dạn du nhập, thử nghiệm nhiều giống mới vào sản xuất. Mới đây, HTX đã trồng thử nghiệm thành công giống nấm Hồng Ngọc - là giống nấm mới, giá trị dinh dưỡng cao.

Chị Yến khoe thêm, hiện tại, sản phẩm nấm bào ngư Hải Yến đã được đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Nấm không chỉ được khách hàng trên địa bàn đón nhận mà còn được khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt hàng. Nhờ vậy, lợi nhuận hàng năm của HTX đạt hơn 300 triệu đồng. Thời gian tới, HTX sẽ tập trung mở rộng quy mô, nghiên cứu các giải pháp chế biến sâu để đa dạng sản phẩm và gia tăng giá trị kinh tế.

Hà Tĩnh hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao

Nhiều nông dân ở Hà Tĩnh mạnh dạn đầu tư nhà màng để sản xuất dưa lưới, dưa chuột, hoa các loại theo công nghệ cao.

Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống ở Hà Tĩnh thời gian qua đã đạt một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng phát triển KT-XH. Trong đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc chọn tạo, sản xuất giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, vi ghép đỉnh sinh trưởng; hay tạo giống vật nuôi bằng công nghệ tinh đông viên, hooc-môn đơn tính,... đã trở nên quen thuộc, tạo ra hàng loạt cây, con giống có chất lượng, độ đồng đều cao và sạch bệnh. Việc nghiên cứu, ứng dụng vi sinh vật để sản xuất phân hữu cơ vi sinh đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp...

Hà Tĩnh hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao

Ở các địa phương miền núi, công tác lai hóa, nâng cao tầm vóc đàn vật nuôi được quan tâm, bên cạnh đó, quy trình chăn nuôi ngày càng hiện đại, liên kết mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.

Đặc biệt, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (IoT) cũng đã và đang được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm.

Có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã đem lại sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, góp phần bảo môi trường và phát triển bền vững. Theo ghi nhận, Hà Tĩnh đang có hàng trăm mô hình kinh tế áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số doanh nghiệp tại Hà Tĩnh cũng đã mạnh dạn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đơn cử như: Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh (Thạch Hà); HTX Hoàng Hà, xã Tượng Sơn (Thạch Hà); HTX Nga Hải, xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân); HTX nông nghiệp Gia Phúc, xã Thường Nga (Can Lộc),...

Để nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh phát triển ngày càng cao, chúng tôi luôn xác định “khoa học công nghệ phải đi trước một bước”. Ngành đang tích cực chuyển giao những thành tựu KH&CN hiện đại nhằm đổi mới quy trình từ quản lý đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, trang bị các máy móc, thiết bị đồng bộ để tạo ra những sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường... Việc ứng dụng những thành tựu KH&CN còn tạo động lực quan trọng để người lao động tích cực tìm tòi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi với mục tiêu chung là hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, ngày càng hiện đại.

Ông Phan Trọng Bình - Phó Giám đốc Sở KH&CN

Tin liên quan:

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.