Hà Tĩnh tham gia diễn đàn trực tuyến toàn quốc “Đối thoại phát triển địa phương 2021”

(Baohatinh.vn) - Diễn đàn “Đối thoại phát triển địa phương 2021” có chủ đề “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới” thảo luận những cơ hội phát triển của các địa phương trong trạng thái “bình thường mới".

Sáng 13/7, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc Diễn đàn “Đối thoại phát triển địa phương 2021”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan dự diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội.

Dự tại điểm cầu Hà Tĩnh có Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Văn Hùng, lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, 2021 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, các địa phương đã triển khai học tập, quán triệt tinh thần Nghị quyết XIII và triển khai nghị quyết của đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong bối cảnh đất nước đang có những chuyển biến rất nhanh với nhiều thuận lợi lẫn khó khăn, thách thức đan xen.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, đặt ra những thách thức rất lớn cho cả nước và các địa phương trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy KT-XH phát triển.

Các đại biểu ở các điểm cầu tham gia đối thoại “bàn tròn” tại diễn đàn

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thực hiện mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt cơ hội. Ngay lúc này, chúng ta cần nghĩ đến vấn đề phát triển KT-XH không chỉ trong hoàn cảnh đại dịch mà ngay sau khi đại dịch kết thúc để đạt được những kết quả khả quan ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ; tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH của giai đoạn 2021 - 2025; thiết lập nền tảng thuận lợi cho sự phát triển những năm tiếp theo.

Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, văn kiện đại hội XIII của Đảng đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sự thích ứng với thay đổi rất nhanh của tình hình thực tiễn quốc tế và yêu cầu phát triển mới trong việc đề ra định hướng về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại ngành kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tận dụng tốt nhất các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mạng lại; coi trọng nông nghiệp sinh thái...

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ số để đẩy mạnh Chính phủ, kinh tế số và xã hội số, để tích cực thay đổi mô hình quản lý và đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ công, thúc đẩy sự tham gia của mọi doanh nghiệp và người dân vào phát triển địa phương. Chuyển đổi số trở nên đặc biệt hữu dụng và cấp thiết trong trạng thái bình thường mới, với tầm quan trọng gia tăng của các hoạt động không tiếp xúc trực tiếp trong nền kinh tế, trong quản lý nhà nước và trong xã hội.

Tại diễn đàn đối thoại, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thảo luận, chia sẻ một số kinh nghiệm và khó khăn, thách thức với 2 chủ đề “Chuyển đổi số” và “Tăng trưởng xanh” - những cơ hội phát triển của các địa phương trong trạng thái “bình thường mới”, tập trung vào các sáng kiến nâng cao hiệu quả quản trị thực thi chính sách trong môi trường chuyển đổi số và khai thác tiềm năng tăng trưởng xanh để vượt qua đại dịch Covid-19, bứt phá phát triển.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo rằng các tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các dịch vụ tài nguyên và môi trường mà nền kinh tế của chúng ta dựa vào.

“Đối thoại phát triển địa phương” là diễn đàn thường niên, nhằm tạo kênh đối thoại về các vấn đề phát triển địa phương, cập nhật những thành tựu và khó khăn trong công tác lãnh đạo địa phương và hợp tác liên kết vùng, vì mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển KT-XH địa phương, tạo động lực cho sự phát triển địa phương trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn hướng tới 2045.

Diễn đàn đối thoại lần này hướng tới việc tạo kết nối giữa lãnh đạo trung ương và lãnh đạo địa phương, chia sẻ giữa các nhà hoạch định chính sách của các bộ, ngành ở Trung ương, lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp hàng đầu, chuyên gia, nhà nghiên cứu cao cấp, tổ chức phát triển quốc tế.

Đồng thời, tạo ra các động lực mới cho phát triển địa phương theo chiến lược quốc gia, giúp kích hoạt tiềm năng, khai thông được điểm nghẽn, đẩy mạnh những đột phá cho phát triển địa phương; chia sẻ các sáng kiến địa phương phục vụ tăng trưởng nhanh và bền vững.

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói