Giao dịch điện tử giải quyết các chế độ BHXH ngắn hạn đã giúp giảm tải lượng khách hàng đến giao dịch trực tiếp trong ngày.
Giao dịch điện tử giải quyết các chế độ BHXH ngắn hạn được thí điểm ở Hà Tĩnh từ tháng 10/2018 tại Văn phòng BHXH tỉnh, BHXH 2 huyện Cẩm Xuyên và Hương Sơn, trong quý IV năm 2018, BHXH tỉnh đã triển khai thực hiện 831/1.892 hồ sơ điện tử, đạt 45%. Riêng Văn phòng BHXH tỉnh đạt 88%, BHXH huyện Hương Sơn đạt 84% và BHXH Cẩm Xuyên đạt 52%.
Đặc biệt, cùng thời gian thực hiện thí điểm, 2 đơn vị Can Lộc và Vũ Quang cũng đăng ký triển khai và đều đạt 90% hồ sơ giao dịch điện tử.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lam – Trưởng phòng Chế độ BHXH tỉnh cho biết: “Từ kết quả thí điểm, đến đầu năm 2019, chúng tôi tiếp tục triển khai tại các đơn vị còn lại. Phòng Chế độ BHXH cũng đã phối hợp với Phòng CNTT tập huấn cho 13 huyện, thị xã, thành phố và 89 đơn vị sử dụng lao động do tỉnh trực tiếp thu và giải quyết chế độ ngắn hạn tại Văn phòng BHXH tỉnh”.
Hiện nay, giao dịch điện tử sử dụng phần mềm của nhà cung cấp dịch vụ IVAN tương đối ổn định, thuận tiện và dễ sử dụng.
Nếu như trước đây khi thực hiện chế độ cho người lao động, cán bộ phụ trách phải đến trực tiếp trụ sở của BHXH tỉnh, mang theo rất nhiều giấy tờ để đáp ứng các thủ tục hành chính, thì nay thời gian, công sức đã được rút ngắn khi chỉ cần ngồi tại chỗ và thao tác trên phần mềm. Ngoài ra, việc lưu trữ văn bản giấy cũng được giảm tải, nhân viên không mất nhiều thời gian khi cần truy lục thông tin.
Việc triển khai giao dịch điện tử còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với cơ quan BHXH tỉnh. Theo đó, phần mềm góp phần hoàn thiện bộ công cụ hỗ trợ thực hiện việc đối soát hồ sơ hưởng chế độ thai sản, sinh con thông qua hệ thống dữ liệu giám định BHYT, tạo thuận lợi trong việc kiểm tra, kiểm soát; ngăn chặn hành vi gian lận, trục lợi chế độ. Thời gian giải quyết chế độ BHXH ngắn hạn qua giao dịch điện tử cũng nhanh hơn nhiều so với trước đây (từ 6 ngày giảm xuống còn 1 ngày đối với hồ sơ không phải chỉnh sửa).
Với tính tiện ích cao, lượng hồ sơ được giải quyết qua giao dịch điện tử ngày càng nhiều. Đến nay, toàn tỉnh đã có 78% hồ sơ được thực hiện giao dịch điện tử. Trong đó, huyện Vũ Quang đạt tỷ lệ cao nhất với 100% hồ sơ, BHXH huyện Nghi Xuân đạt 92%, Văn phòng BHXH tỉnh đạt 90%; tiếp đó là các huyện Lộc Hà, Hương Khê, Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh đều đạt trên 85% lượng hồ sơ tiếp nhận. Thực tế đó đã giúp BHXH tỉnh giảm tải về số lượng khách hàng đến giao dịch trực tiếp trong ngày.
Thông qua giao dịch điện tử, việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ diễn ra nhanh chóng và tiết kiệm hơn.
Ông Hồ Văn Phong – Giám đốc BHXH Thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Việc thực hiện giao dịch điện tử đối với giải quyết các chế độ BHXH ngắn hạn được nhiều cơ quan, đơn vị hưởng ứng bởi việc này giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí in ấn. Hơn nữa, việc giao dịch điện tử còn giúp tiếp nhận hồ sơ nhanh chóng, kịp thời, kể cả ngoài giờ hành chính. Nếu như trong quý IV/2018, lượng hồ sơ giao dịch điện tử tại BHXH thị xã Hồng Lĩnh mới chỉ đạt 23% thì đến quý I/2019, con số đó đã đạt 85,7%”.
Mặc dù hiệu quả về nhiều mặt nhưng việc thực hiện giao dịch điện tử giải quyết các chế độ BHXH ngắn hạn cũng gặp phải một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó, một số hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã có số lao động tham gia BHXH ít, không đăng ký tham gia thực hiện giao dịch điện tử đòi hỏi ngành BHXH cần có những chính sách hợp lý đối với các đơn vị này.