Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Dương Thị Hằng chủ trì hội nghị. Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Văn Hùng cùng dự
Toàn tỉnh hiện có 276 ban chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các cấp, trong đó, 1 ban tuyến tỉnh, 13 ban tuyến huyện và 262 ban tuyến xã. Ban chỉ đạo hoạt động theo quý, 6 tháng, cả năm và tăng cường vào các dịp lễ tết.
Bằng nhiều hình thức, các ngành chức năng đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATVSTP đến người dân. Năm 2019, Sở Y tế đã cấp phát gần 500 băng đĩa; hơn 19.330 tờ rơi, áp phích; gần 450 băng rôn; 128 phóng sự truyền hình, truyền thanh…
Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy - thành viên đoàn giám sát: Ý thức chấp hành pháp luật ATVSTP của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thấp là điều rất đáng lo ngại.
Sở Công thương tuyên truyền tại 250 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn tại 7 huyện, thị với hơn 1.000 người tham dự. Các cơ quan, ban ngành phối hợp với Báo Hà Tĩnh, Đài PT–TH tỉnh tăng cường tuyên tuyền trên phương tiện thông tin đại chúng.
Kết quả, 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh thanh, kiểm tra hơn 10.000 lượt cơ sở, trong đó, 8.788 cơ sở đạt điều kiện (chiếm 85,94%); 445 cơ sở vi phạm, bị xử lý với số tiền gần 1 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy khoảng 2 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa - thành viên đoàn giám sát: Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP còn gây nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tại cuộc họp, thành viên ban giám sát bày tỏ nhiều băn khoăn về vấn đề chấp hành pháp luật ATVSTP trên địa bàn Hà Tĩnh. Qua các đợt kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh cho thấy, ý thức chấp hành của người kinh doanh nhìn chung còn thấp, một bộ phận người tiêu dùng chưa chủ động bảo vệ sức khỏe.
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Phan Văn Hùng - thành viên đoàn giám sát: Việc test mẫu thực phẩm phải được tiến hành bởi các cơ quan chuyên môn và những người có trình độ mới đảm bảo.
Đại biểu cũng cho rằng, hoạt động tại ban chỉ đạo cấp xã, phường chưa hiệu quả vì hầu hết là kiêm nhiệm, chuyên môn không đảm bảo, không đủ năng lực giám sát chất lượng ATVSTP. Quy trình kiểm nghiệm mẫu thực phẩm kéo dài, gây khó khăn cho công tác kiểm soát.
Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP còn gây nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, tình trạng chồng chéo trong việc ký giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP còn diễn ra; phân cấp nhiệm vụ cho các đơn vị chưa rõ ràng.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Dương Thị Hằng - Trưởng đoàn giám sát: Đoàn giám sát sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo, xây dựng kế hoạch sát đúng, phù hợp thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng yêu cầu đoàn giám sát phải tăng cường trách nhiệm trong chỉ đạo cơ sở giám sát, xử lý vi phạm, không chỉ dừng lại ở việc thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân về pháp luật ATVSTP; đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng đối với các cơ sở vi phạm; đề xuất cơ quan chức năng tăng hình thức xử phạt để tạo tính răn đe.