Hàng nghìn ha lúa xuân đã chín bị đổ rạp, xếp chồng lên nhau.
Gần 1 mẫu ruộng của gia đình chị Phan Thị Ngọc, thôn Tây Hà, Sơn Hà (Hương Sơn) đang vào độ chín. Ngay trước khi cơn dông kéo tới, vợ chồng chị tranh thủ gặt được 3 sào. Đang di chuyển để gặt ruộng tiếp theo thì trời đất tối sầm lại, dông lốc cứ thế vần vũ.
“Trời đang nắng, bất ngờ mưa, gió ập xuống ào ào, chẳng kịp trở tay. Lúa gặt xong đang dựng hết bên bờ, đành chịu mưa gió quật chứ không đưa về nhà được. Sáng nay, gia đình mới bắt đầu ra đồng trở lại để thu gom và đổ phơi, mong có nắng lên sớm chứ nếu không gạo sẽ bị đen, kém chất lượng”.
Cả những diện tích chưa kịp chín cũng bị "giày xéo".
Lúa gặt lên rồi đã thế, số ở ngoài đồng nhìn cũng không khá hơn. Gần như toàn bộ bổ rạp xuống, xếp chồng lên nhau. “Công thu hoạch sẽ rất vất vả, hoàn toàn phải bằng tay chứ lúa đổ thế này khó mà thu hoạch bằng máy” - chị Ngọc cho biết thêm.
Ở Hương Sơn, hiện tượng lốc xoáy với cường độ mạnh đã xuất hiện ở nhiều xã như: Sơn Tân, Sơn Mỹ đến các xã Sơn Trung, Sơn Giang. Theo người dân, những diện tích bị thiên tai "quét" qua sẽ bị hư hỏng, rụng hạt, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Không những thế, chắc chắn thời gian thu hoạch cũng sẽ chậm lại. Ngoài lúa, huyện miền núi này còn thiệt hại khá nặng nề về cây ngô. Diện tích bị gãy, đổ có thể lên đến hàng trăm ha.
Sáng nay, huyện Nghi Xuân đã huy động lực lượng, người dân dọn dẹp, sửa chữa và kiểm tra tình hình thiệt hại sau cơn dông vào chiều tối qua (30/4). Có khoảng 300 ha lúa và hoa màu của địa phương bị hư hại, đổ ngã.
Người nông dân đang khẩn trương cứu lúa
Chưa thể có con số chính xác về mức độ thiệt hại của nông nghiệp do cơn dông gây ra tại Hà Tĩnh vào chiều qua. Tuy nhiên, hiện tượng chung là gió mạnh kèm theo mưa, lốc xoáy đã làm lúa đang bước vào kỳ thu hoạch bị đổ rạp xuống, nhiều diện tích tạo thành những vòng xoáy xơ xác.
“Những diện tích bị đổ thì phải thu hoạch luôn để chờ nắng phơi, vớt chừng nào hay chừng đó. Còn những nơi chưa chín hẳn thì đành phải dựng lên thành bó, cố định giữa đồng ít hôm, chứ nếu không sợ lúa bị nảy mầm mất. Có điều, bây giờ máy không vào được, gặt tay trong điều kiện cây bổ rạp thế này cũng vất vả lắm”, chị Trần Thị Nghĩa, khối phố Trung Đình, Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) cho hay.
Sau trận giông kinh hoàng, bà con Lộc Hà xuống đồng thu hoạch nhanh lúa chín, tránh thời tiết bất thường có thể đến
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến chiều 30/4, toàn tỉnh có khoảng 20.000 ha lúa đã thu hoạch. Con số này mới chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích toàn tỉnh.
Ông Phan Văn Huân - Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh) cho biết: “Vào thời điểm này, khi lúa xuân đã chín, bông lúa nặng hạt sẽ khiến lúa dễ bị đổ gãy khi có hiện tượng thời tiết xấu xảy ra. Cơn dông vào chiều 30/4 sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất trung bình lúa xuân của toàn tỉnh. Rất may, mưa xảy ra ngắn nên các chân ruộng chưa kịp tích trữ nhiều nước nên hạn chế được hạt lúa nảy mầm trên ruộng. Đối với số lúa đã gặt thì trong điều kiện nắng trở lại, bà con kịp thời phơi thì sẽ không ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt gạo”.